Quốc tế

Giấc mơ xe điện của Saudi Arabia

Hà Anh 22/02/2024 06:59

Saudi Arabia đã chi hàng tỷ USD để cố gắng trở thành trung tâm xe điện và vượt qua các trở ngại như thiếu cơ sở hạ tầng, nhân lực và nguyên liệu thô khi nước này tìm cách bắt kịp cuộc đua toàn cầu nhằm thu lợi nhuận từ ngành công nghiệp mới.

anh-bai-chinh-21-2.jpg
Công nhân lắp ráp xe điện tại nhà máy Lucid Motors ở Casa Grande, Arizona, Mỹ. Nguồn: Reuters.

Là một phần trong kế hoạch rộng lớn của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm loại bỏ nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và tạo việc làm, vương quốc này đã đầu tư ít nhất 10 tỷ USD vào hãng Lucid Motors có trụ sở tại Mỹ, thành lập Ceer - thương hiệu riêng của Saudi Arabia và xây dựng 1 công ty con là Nhà máy kim loại EV.

Quỹ đầu tư công (PIF) - quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 700 tỷ USD của Saudi Arabia có mục tiêu sản xuất 500.000 xe điện hàng năm vào năm 2030, tăng từ mục tiêu 150.000 vào năm 2026. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, nhà máy ô tô duy nhất của vương quốc đã lắp ráp khoảng 800 chiếc xe, dựa trên các bộ dụng cụ được cung cấp từ Arizona.

Saudi Arabia trước đây đã thất bại trong việc thu hút sản xuất ô tô. Năm 2019, hãng Toyota của Nhật Bản đã từ chối một thỏa thuận với lý do chi phí lao động cao, thiếu nhà cung cấp địa phương và thị trường địa phương nhỏ. Khi thế giới dần rời xa ô tô chạy bằng dầu vốn đã tài trợ cho nền kinh tế của Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ, các nhà phân tích cho rằng, những trở ngại như vậy vẫn còn và sự cạnh tranh rất gay gắt.

Ông Gaurav Batra - nhà phân tích sản xuất tiên tiến toàn cầu của hãng kiểm toán EY cho biết: Có sự cạnh tranh to lớn mà đất nước sẽ phải đối mặt từ các cường quốc sản xuất và từ các chuỗi cung ứng đã có uy tín. Rất nhiều thứ cần phải được thực hiện trước khi ngành này hình thành và thực sự bùng nổ tại Saudi Arabia.

Trên thế giới, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng mới cũng như sản xuất xe điện. Hãng BYD của Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới sau khi vượt qua Tesla vào cuối năm ngoái.

Đối với Saudi Arabia, một trong những khó khăn lớn nhất là thu hút các nhà sản xuất linh kiện ô tô, khi không có ngành công nghiệp nội địa nào đủ khả năng cung cấp. Nhà sản xuất xe điện nội địa Ceer, liên doanh giữa PIF và công ty Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), có kế hoạch ra mắt ô tô vào năm 2025 nhưng vẫn chưa xây dựng nhà máy. Một nguồn tin cho biết, khó có khả năng công ty sẽ có phương tiện lưu thông trên đường trước năm 2026.

Vào tháng 10/2023, hãng xe Hyundai của Hàn Quốc và PIF đã công bố thành lập liên doanh nhà máy sản xuất động cơ đốt trong và xe điện. Cùng với Lucid và Ceer, liên doanh này sẽ tạo ra một cụm nhà máy tại thành phố Kinh tế Quốc vương Abdullah nằm ven bờ Biển Đỏ.

Tuy nhiên, bà Tatiana Hristova - chuyên gia tại S&P Global Mobility cho rằng, điều này sẽ không đủ để thuyết phục các nhà sản xuất thiết bị gốc đến Saudi Arabia để tham gia chuỗi cung ứng, giúp nội địa hóa linh kiện ô tô. Vì vậy, Ceer sẽ mua linh kiện từ hãng xe BMW của Đức, bao gồm cả pin, bộ phận đắt nhất của xe điện.

Phó Chủ tịch toàn cầu của Lucid, Faisal Sultan cho biết, Saudi Arabia cần sự hiện diện của các nhà cung cấp quan trọng và nhà máy ở Saudi của họ chỉ lắp ráp lại những chiếc xe đã được lắp ráp lại trước đó và kiểm tra chất lượng tại địa điểm Arizona của công ty.

Một giám đốc điều hành (CEO) ngành sản xuất ô tô của Saudi Arabia cho biết, cách tiếp cận của công ty là: Giữ chuỗi cung ứng và sản xuất phương tiện ở Mỹ, có thể thúc đẩy các công ty khác thành lập các địa điểm lắp ráp lại để tiếp cận các ưu đãi sinh lợi của Saudi dành cho nội địa hóa. Tuy nhiên, điều này có thể cản trở việc mở rộng sản xuất trong nước vì nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu ô tô sản xuất ở nước ngoài.

Tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Dubai vào tháng 12/2023, gần 200 quốc gia đã đồng ý bắt đầu giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. Trong thập kỷ tiếp theo, chính phủ Saudi Arabia đã đồng ý mua tới 100.000 xe của Lucid và Quỹ Phát triển công nghiệp Saudi Arabia (SIDF) đã cấp cho Lucid khoản vay không lãi suất trị giá 1,4 tỷ USD vào năm 2022 để giúp tài trợ cho việc xây dựng nhà máy. PIF sở hữu 60% Lucid và đã đầu tư ít nhất 5,4 tỷ USD vào công ty tính đến tháng 8/2023.

Ông Sultan nói: “Tôi không nghĩ Lucid là một dự án mà PIF tham gia để kiếm lợi nhuận… Đó là một mối quan hệ chiến lược hơn. Việc phát triển hệ sinh thái ô tô ở vương quốc là một thắng lợi lớn đối với họ”.

Năm ngoái, các quan chức Saudi Arabia cho biết, họ hy vọng vương quốc này sẽ trở thành trung tâm sản xuất và cung cấp pin xe điện. Nhưng để đạt được điều đó, nước này cần nguyên liệu thô, đặc biệt là lithium, thứ mà Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản Saudi Arabia Khalid bin Saleh Al-Mudaifer coi là một trong những kim loại mà vương quốc của ông tìm cách sản xuất, mặc dù chưa có trữ lượng nào được công bố.

Ông Robert Wilt - CEO công ty khai thác mỏ Maaden được PIF hậu thuẫn cho biết, nỗ lực chiết xuất lithium từ nước mặn đang ở giai đoạn thử nghiệm. “Chúng tôi có một ngành công nghiệp ô tô đang phát triển và sẽ cần nguyên liệu pin EV. Chúng tôi có thể sẽ không tìm thấy điều đó kịp thời khi các nhà máy đang được xây dựng nên chúng tôi phải ra ngoài và tìm nguồn cung ứng” – ông Wilt nói.

Các lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô quốc tế cho rằng, dù có trở ngại gì đi nữa, Saudi Arabia vẫn có thể có đủ tài chính để vượt qua. Ông Andy Palmer - cựu CEO của hãng siêu xe thể thao Aston Martin (Anh) cho biết: PIF có nguồn lực lớn đằng sau và tài chính có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn những gì mọi người nghĩ ban đầu.

Hà Anh