Kiều bào “hiến kế” thu hút nhân tài vào ngành mũi nhọn
Nghị quyết 98 của Quốc hội ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM (Nghị quyết 98) là công cụ pháp lý quan trọng tạo động lực cho thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nhân kiều bào, để thực hiện được những mục tiêu trên đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao; lộ trình phù hợp và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - người Việt ở Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, ông đã đồng hành cùng TPHCM được hơn 40 năm, chứng kiến những bước thăng trầm của thành phố, nhờ vậy ông biết được lực bật của thành phố trải qua những lần khó khăn nhất. Sau khi vượt qua được đại dịch Covid-19, và tiếp đến là đứng vững trong tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, có thể nói thời điểm này, thành phố cơ bản đã vượt qua được để chuẩn bị vươn lên.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ thêm, ông tiếp xúc với những người bạn, những đối tác đến từ Mỹ, họ đánh giá rất cao năng lực về mọi mặt của TPHCM, đặc biệt là khả năng vượt qua các biến cố bất lợi về kinh tế - xã hội. Vì vậy, các đối tác nước ngoài cùng với ông đang dự kiến đầu tư hàng tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng để thành lập Trung tâm Tài chính tại thành phố.
Về việc này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông đã nghiên cứu và bàn bạc với các đối tác từ năm 2016, họ hưởng ứng rất nhiệt tình, đến nay một số thủ tục giữa các bên đã được triển khai. “Vấn đề lớn nhất là thủ tục hành chính vì thiếu cơ chế rõ ràng, tiện lợi thì không ai dám đầu tư hay bỏ tiền mua. Năm nay đã ngoài 70, tôi muốn quãng đời còn lại muốn làm gì đó cho TPHCM, mà mục tiêu lớn nhất là hoàn thành Trung tâm Tài chính” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ quyết tâm.
Trong khi đó, bà Trần Tuệ Tri - Người Việt tại Singapore, Cố vấn cấp cao của Vietnam Brand Purpose cho rằng, muốn thu hút đầu tư nước ngoài từ kiều bào, TPHCM cần phải biết được họ mong muốn gì, nhất là tiềm năng, lợi nhuận như thế nào. Đặc biệt là yếu tố rủi ro có phù hợp với điều kiện khách quan, đáp ứng được nguyện vọng của họ hay không.
Ngoài những gì mà đất nước và TPHCM đã và đang làm, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Bà Tri nêu ví dụ, tại Ấn Độ, khi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về cơ sở hạ tầng - đây là hình thức đầu tư nguồn vốn lớn nhưng thu hồi lại lâu dài nên phía Chính phủ Ấn Độ họ có những hình thức chia sẻ rủi ro với đối tác. Điều này giúp họ thêm tin tưởng, tạo động lực để các nhà đầu tư triển khai.
Một yếu tố quan trọng nữa, theo bà Tri là nhân lực, TPHCM cần tiếp tục chú trọng đến các chính sách thu hút nhân tài, trong đó tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn.
Là người luôn nung nấu xây dựng, nâng tầm thương hiệu nông sản Việt, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - người Việt ở Úc, CEO của Meet More Coffee Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu cho hay, không cần đợi đến Nghị quyết 98 mà trước đây ông và các cộng sự đã triển khai các sản phẩm, mặt hàng của người Việt. Từ đó ông mới đưa ra được các phương án để xây dựng các thương hiệu nông sản, để các mặt hàng khi ra thế giới có chỗ đứng. Vừa nỗ lực, cộng thêm chút may mắn, ông Luận đã chuyển được các mặt hàng là lợi thế của Việt Nam đến tay người tiêu dùng quốc tế, điển hình nhất là mặt hàng cà phê, thực phẩm, lĩnh vực đồ uống khác.
“Khi Nghị quyết 98 thực sự đi vào cuộc sống, sẽ tạo thêm động lực để phát triển đưa sản phẩm tiếp theo ra thị trường quốc tế. Cần phải có quyết tâm; dám nghĩ, dám làm để từ đó xây dựng được sản phẩm tốt ngay trong bản địa rồi mới hy vọng tiến ra thị nước ngoài” - ông Luận nhấn mạnh.
Theo ông Luận, Nghị quyết 98 của Quốc hội mới được truyền thông, giới thiệu tốt đến đồng bào trong nước chứ kiều bào ta ở nước ngoài biết rất ít, thiếu nhiều thông tin. “Cần có nhiều phương thức truyền thông để kiều bào tiếp cận và tiếp tục hướng về quê hương, đất nước đầu tư cùng phát triển”, ông Luận mong muốn.
Đề cập đến hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bà Nguyễn Ngọc Giao - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn Nordcoud, đồng sáng lập Hội Chuyên gia tri thức Việt Nam tại Phần Lan đánh giá, đây là vấn đề lớn sẽ góp phần đưa Nghi quyết 98 thành công. Do đó, cần xây dựng mô hình vận hành đồng bộ để tránh việc ách tắc một hoặc vài công đoạn, làm ảnh hưởng đến sự vận hành chung. Bên cạnh đó, cần xây dựng hình thức dịch vụ công và nhân sự hoàn hảo. “Nếu chúng ta không có một lộ trình bài bản, quản lý phù hợp sẽ rất khó để đi đường xa” - bà Giao nêu ý kiến.
Nghị quyết 98 của Quốc hội gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, trong đó ưu tiên đến các lĩnh vực chính như quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TPHCM và thành phố Thủ Đức...