Quản lý nguồn lực đất đai
Sáng 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước đã Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) - bộ luật nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và đã có trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Trước khi chính thức thông qua vào ngày 18/1/2024, ngày 17/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã có Báo cáo số 729 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ý kiến của Chính phủ và ý kiến các cơ quan gửi đến Đại biểu Quốc hội.
Điều đó cho thấy sự cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.
Có lẽ không một dự án luật nào lại được cân nhắc kỹ lưỡng như Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành từ 3/1/2023 - 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Cũng chính từ sự cẩn trọng, kỹ lưỡng ấy mà Luật Đất đai (sửa đổi) đã khắc phục được nhiều bất cập ở Luật Đất đai năm 2013, nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai mới gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.
Riêng về việc giá đất, vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, ông Ngân cho biết bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026; được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, luật mới đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở. Đồng thời cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện sử dụng đất hiệu quả hơn, để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Từ đó sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa. Việc quy định mới về thu hồi đất đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan, dẫn đến khiếu kiện kéo dài như trước đây.
Nói như ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thì Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi; sẽ không còn xảy ra tình trạng nhà đầu tư được ai đó "chống lưng" để mua rẻ đất của dân. Và cũng loại bỏ được tình trạng "đầu nậu" núp sau lưng "chủ đất" gây khó dễ cho nhà đầu tư.