Người dân bất an vì sụt lún, sạt lở
Từ sau Tết đến nay, do ảnh hưởng của mùa khô, hạn hán, tình trạng sụt lún, sạt lở đất xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tại vùng ngọt huyện Trần Văn Thời, người dân đang phải gồng mình ứng phó với tình trạng sạt lở. Nhiều tuyến đường sụt lún gây đứt gãy, hàm ếch khiến các phương tiện không thể lưu thông.
Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở
Những ngày qua, nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến Kênh Cơi 4 - Quảng Hảo ở ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời phải sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm do con đường trong ấp vừa hoàn thành hơn 1 năm nhưng đã có gần chục đoạn bị sạt lở, sụt lún. Đáng lo ngại là có nhiều vị trí sụp lún đất tạo thành hàm ếch ăn sâu vào lòng đường, một số đoạn sạt lở hết mặt đường. Người dân trong ấp bất an, lo lắng tương lai của những ngôi nhà mình sẽ sống khi tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Trung Hậu, nhà ở ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi kể, đúng ngày mùng 1 Tết, ông nghe tiếng sình (bùn) sôi ục ục, rồi sau đó mặt đất nứt toác. Mấy cây dừa, vú sữa trồng ven kênh và một đoạn đường chỉ trong thoáng chốc sụt xuống lòng kênh. Để an toàn cho người đi đường, ông Hậu đã phải làm rào chắn hai đầu đoạn đường bị sụt lún để cảnh báo cho bà con.
Ông Hậu cho biết thêm, tuyến giao thông dọc kênh Quảng Hảo chỉ dài hơn 2km nhưng xuất hiện nhiều điểm đất bị nứt, kéo theo các rãnh sâu vào mặt đường, có thể sụt bất kể lúc nào.
“Hạn năm nay kéo dài và phức tạp hơn những năm trước rất nhiều, nước khô nhanh quá… Mới đầu mùa khô mà sạt lở cỡ này, liệu bờ kênh, con đường có trụ nổi tới tháng 5, tháng 6 chờ mưa xuống hay không” - ông Hậu lo lắng.
Những ngày qua, nắng gay gắt đã khiến cho những tuyến kênh mương ở khu vực này gần như trơ đáy, xuồng ghe không lưu thông được dẫn đến nông sản của nông dân khó tiêu thụ.
Không giấu được sự lo lắng, ông Nguyễn Nam Chinh (ấp Bình Minh 2) cho hay, gia đình ông có khoảng 2ha đất trồng lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. “Sắp tới, gia đình chưa biết máy gặt, vận chuyển lúa bán cho thương lái thế nào. Bởi con kênh giờ đã cạn, đường sạt lở phương tiện lớn không đi được. Việc vận chuyển bằng xe máy sẽ đội chi phí lên cao" - ông Chinh nói và cho biết thêm, cách đây vài ngày, đường bên bờ kênh Quảng Hảo bị sạt xuống đúng thời điểm có người đi xe đạp ngang qua, rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bà con mong chính quyền sớm có phương án hỗ trợ, khắc phục để bà con an tâm đi lại, cũng như vận chuyển nông sản.
Nhiều tuyến đường bên Kênh số 2, ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc huyện Trần Văn Thời cũng đang xảy ra tình trạng sụt lún. Ông Nguyễn Hải Triều có nhà ở ngay vị trí sạt lở cho biết, đêm 31/1/2024, khi thấy hiện tượng đường bị nứt, nguy cơ sụt, ông đã gia cố bằng cừ tràm nhưng vẫn không giữ được đường. “Sụt lún ngày càng nghiêm trọng, chia cắt hoàn toàn tuyến đường nối 2 xã Khánh Lộc với Đá Bạc, nhà tôi xây dựng kiên cố cũng không biết có vững được không” - ông Triều lo lắng.
Nắng như thiêu đốt trong nhiều ngày qua cũng đã khiến cho nhiều diện tích hoa màu của nông dân trên địa bàn xã Trần Hợi “khát nước” tưới do các kênh mương khô cạn. Bà con lo ngại sẽ không còn nước tưới cho rau màu sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, năng suất giảm.
Khẩn trương khắc phục
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tình hình hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến gay gắt, đặc biệt ở Tiểu vùng III Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, mực nước trên các hệ thống kênh, mương bị sụt giảm, khô cạn. Tổng số có 36 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở, với 107 điểm, tổng chiều dài trên 3.360 m. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bê tông 31 tuyến, với 78 điểm.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino, từ tháng 2 đến tháng 6 khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trước tình hình này, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai mọi giải pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt cho biết, đứng trước tình hình hạn hán, sụt lún diễn biến gay gắt, Thường trực Huyện ủy đã ra chỉ thị chỉ đạo tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại huyện Trần Văn Thời. Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo địa phương cắt, tỉa những cây thân gỗ lớn trên tuyến đường có nguy cơ sụt lún; khảo sát tính toán lại phương án tập kết, vận chuyển lúa và thực hiện phân luồng, hạn chế xe lưu thông tuyến đường nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, các địa phương cần quản lý chặt, không để người dân tự ý nạo vét kênh, sông, rạch có đường giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng có buổi làm việc để bàn giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước ở các kênh theo khuyến cáo của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam. Chú trọng vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở, sụt lún đất; hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao. Quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.
UBND huyện Trần Văn Thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa còn lại, cũng như quản lý chặt các phương tiện vận chuyển hàng hóa. Khẩn trương rà soát dự án khu tái định cư tại Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc nhằm triển khai thực hiện hiệu quả.
Ông Tô Văn Thanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đưa ra các giải pháp như bơm bùn, đưa nước, đào thêm ao và đất đắp phản áp (bù áp suất do lượng nước các kênh sụt giảm). “Bơm bùn rất thuận lợi ở tuyến đê biển vì chi phí rẻ. Với đường nông thôn đang có nguy cơ lún sụt, nếu chúng ta không đưa nước mặn được thì cần có giải pháp nạo vét đất ở phía đối diện đắp bù chỗ nguy cơ sạt lở, sụt lún, hoặc chuẩn bị sẵn bao tải cát ứng phó kịp thời” - ông Thanh nói.