Khai mạc phiên họp thứ 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 22/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong thời gian 1 ngày sẽ xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là một dự án luật trong tổng số 9 dự án luật mà đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023). Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 61 điều.
Về lưu trữ tài liệu điện tử, theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.