Sản xuất tuần hoàn: Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Đồng thời, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người…
Hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn
Phát triển kinh tế tuần hoàn trên nền hữu cơ đang trở thành thế mạnh sản xuất cho nông dân bởi phế phụ phẩm nông nghiệp nếu sử dụng hiệu quả sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào giá rẻ. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nấm - bò - vịt - lúa - điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang của Công ty TNHH một thành viên HG FARM (HGF) là một ví dụ tốt trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế. Chuỗi chăn nuôi bò của HGF không chỉ tạo ra sản phẩm bò thịt thương mại, mà còn tạo ra các sản phẩm: phân bò tươi, trùn quế, phân đệm lót. Ở HGF, phân bò dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng.
Mô hình lúa - vịt tại đây cũng tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nông nghiệp thuận thiên: Vịt được cho ăn thức ăn lên men từ phân bò tươi với giá thành chỉ bằng một phần ba thức ăn công nghiệp và phân vịt cùng giá thể đệm lót sẽ bón cho ruộng lúa thuận thiên. Sau khi thu hoạch lúa thì rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau - củ - quả nhiệt đới.
Tương tự, Minh Tiến Group đã đầu tư công nghệ mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Cuối năm 2023, công ty đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ấn tượng được làm từ vỏ trấu cà phê, như bao bì sinh học, túi tự hủy, dao, thìa dĩa... góp phần bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến, công ty còn thu gom vỏ cà phê để làm trà Hà Chúc Cascara; tận dụng vỏ trấu và bã cà phê để sản xuất sản phẩm sinh học Namigo. Ngoài ra, điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là công ty đã xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Chiềng Xôm, cung cấp cho vùng trồng cà phê Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Tiềm năng để phát triển nông nghiệp tuần hoàn của nước ta rất lớn. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn được coi là “chìa khóa” để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở nhiều địa phương là tỷ lệ phế phụ phẩm nông nghiệp sử dụng còn hạn chế.
Cụ thể, đối với ngành chăn nuôi mới chỉ có gần 20% chất thải chăn nuôi được sử dụng và ngành trồng trọt là 10%, còn lại hầu hết chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp tương đương 156 triệu tấn không được tận dụng… Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết tính trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, có khoảng 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng, gây ra khí thải và ô nhiễm môi trường; mất đa dạng sinh học (các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi). Nguyên nhân chính là thiếu giải pháp công nghệ và thị trường mua bán rơm chưa được hình thành, giá rơm hiện ở mức rất thấp. Sâu xa hơn là do doanh nghiệp, nông dân chưa bán được chứng chỉ canbon và còn hạn chế kiến thức về kinh tế carbon, nhất là từ sản xuất lúa. Rõ ràng trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một xu hướng tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban Cơ giới hóa và sau thu hoạch (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế) cho biết, tính trung bình, mỗi năm có khoảng 20 triệu tấn sớm bị đốt ngay trên đồng ruộng, gây ra tình trạng mất dinh dưỡng cho đất; tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường...
Bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường (Bộ NNTPTN) cũng cho rằng, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nước ta hiện nay chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tỷ lệ thu, tái chế phụ phầm còn quá thấp. Trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp cần được coi là nguồn tài nguyên tái tạo, là đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Thực tế, còn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp chưa được xử lý, thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn còn hạn chế khi hoạt động nghiên cứu và phát triển công tác này còn khiêm tốn trong các doanh nghiệp; sự gắn kết giữa các tổ chức với các trường đại học và các doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế trong việc đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số...
Cần cơ chế hỗ trợ
Đánh giá lợi ích từ sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho rằng, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, theo đó, sản xuất hữu cơ kết hợp với nông nghiệp tuần hoàn sẽ đem lại nhiều giải pháp sản xuất hiệu quả cho nông dân. Trong đó, việc tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nói chung, đầu ra của chăn nuôi nói riêng tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt, làm thức ăn cho gia súc vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng.
Cũng theo ông Trung, việc triển khai sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí cho người nông dân mà còn là “chìa khóa” để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Thực tế hiện nay thị trường cũng đòi hỏi hàng hoá với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cả bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Ví như từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon”, tức là sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế này. Thêm vào đó, Việt Nam đã cam kết với quốc tế hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để kinh tế tuần hoàn phát triển, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp và định vị sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đứng trước thách thức do cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cũng như rất nhiều vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Hoàn thiện về cơ chế chính sách để kinh tế tuần hoàn phát triển
Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thời gian gần đây phát triển kinh tế tuần hoàn đã dần phổ biến và trở thành xu hướng trong sản xuất, phát triển kinh tế được doanh nghiệp, hợp tác xã lựa chọn. Với tư duy mới, các hoạt động sản xuất hữu cơ thuận tự nhiên theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong nông nghiệp, có thể được kết hợp với các hoạt động du lịch, giải trí, dịch vụ khác để tạo thêm giá trị gia tăng và lợi ích cho nông dân. Làng sinh thái hữu cơ là mô hình mới, vừa bảo tồn được giá trị văn hóa làng xã, vừa phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch để góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các mô hình mới, hướng gần hơn đến kinh tế tuần hoàn như “khu công nghiệp sinh thái”, “sản xuất sạch hơn”, “không phát thải”, hay tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của kinh tế tuần hoàn cũng đã bắt đầu được triển khai.Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại nước ta còn nhiều hạn chế, cần hoàn thiện, nhất là về cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn lực, tài chính.
Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn, khiến việc đánh giá trình độ và mức độ sẵn sàng trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực và địa phương còn khó khăn. Hơn nữa chúng ta cũng gặp khó khăn về thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho kinh tế tuần hoàn. Nguồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu.
Nguyễn Hải