Cần bộ quy tắc về liêm chính khoa học
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 12160 về việc ban hành quy định liêm chính học thuật đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học với 11 yêu cầu phải tuân thủ. Trong số 11 yêu cầu, điểm thứ 9 nêu rõ “không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) dưới mọi hình thức”. Quy định cũng nêu rõ cán bộ thuộc Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội phải ghi tên đơn vị là ĐH Bách khoa Hà Nội trong công bố khoa học.
Đối với cán bộ đang là học viên cao học, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại các cơ sở giáo dục đào tạo khác trong nước và quốc tế thì có thể ghi tên đồng thời tại ĐH Bách khoa Hà Nội cùng cơ sở giáo dục đào tạo đang theo học, nghiên cứu. Học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐH có thể ghi tên đơn vị đồng thời ĐH Bách khoa Hà Nội và đơn vị công tác của bản thân.
ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên đưa ra quy định chặt chẽ, cấm mua bán bài khóa khoa học dưới mọi hình thức trong bối cảnh trong thời gian qua, việc mua bán bài báo khoa học, việc các giảng viên ở cơ sở ĐH này ghi tên cơ sở giáo dục ĐH khác trên các bài báo khoa học công bố quốc tế đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu về vấn đề liêm chính học thuật.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra các yêu cầu liêm chính học thuật trong liên kết NCKH, liên kết đào tạo. Đồng thời thành lập hội đồng tư vấn liêm chính khoa học, có chức năng tư vấn cho Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội trong thẩm định, đánh giá mức độ vi phạm về liêm chính học thuật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của ĐH Bách khoa Hà Nội. Các cá nhân có hành vi vi phạm liêm chính học thuật còn có thể phải chịu hình thức xử lý bổ sung theo quy định cụ thể của từng lĩnh vực: NCKH, đào tạo, thi đua khen thưởng…
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng việc trao đổi học thuật, liên kết cùng hợp tác với các đồng nghiệp trong NCKH là điều hoàn toàn bình thường trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên, có những quy định về hợp tác, trao đổi mà nhà khoa học cần tuân thủ. Chẳng hạn đối với cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội luôn được khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia NCKH, hợp tác nhưng cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ, vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Trong đó, cũng đặc biệt nhấn mạnh việc không mua, bán kết quả NCKH dưới mọi hình thức.
“Hợp tác NCKH là xuyên biên giới. Nhưng cán bộ, giảng viên phải tuân thủ nguyên tắc trong tuyển chọn, giao nhiệm vụ NCKH theo quy định của pháp luật và quy định của cơ sở giáo dục đào tạo mình đang công tác” - bà Thanh nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Hùng (Trường ĐH Công nghệ TPHCM), liêm chính khoa học không thể nói chung chung mà cần xây dựng bộ quy tắc chuẩn mực để soi chiếu vào đó, tùy từng trường, từng hoàn cảnh mà mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, các viện, trường… tự xây dựng bộ quy tắc riêng. Việc thực hiện quy tắc này sẽ được giám sát và có hậu kiểm, có chế tài xử lý nếu vi phạm.
Từ kinh nghiệm cá nhân, TS Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ) cho rằng cần thúc đẩy đào tạo phổ biến kiến thức liêm chính khoa học, xây dựng hệ thống liêm chính khoa học phát triển, phân công trách nhiệm rõ ràng từ trên xuống dưới. Đồng thời, có cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà khoa học. Có thể thành lập một cơ quan chuyên trách phụ trách liêm chính khoa học thì sẽ rõ người, rõ việc hơn, hạn chế được tình trạng cứ đến kỳ xét giáo sư, phó giáo sư lại rộ lên những phản ánh, tố cáo người này, người kia vi phạm liêm chính khoa học.
Ngoài ra, ông Tú cũng đề xuất phải có chính sách đảm bảo đời sống cho nhà khoa học để họ không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính để lấy “miếng cơm manh áo”, duy trì cuộc sống hằng ngày.