Trách nhiệm nêu gương
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Có thể nói xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không phải vấn đề mới, nhưng như chính Chỉ thị nhận định, đây là một “quá trình lâu dài, đòi hỏi phải tiến hành bền bỉ, thường xuyên”.
Trong đó, trong số các nội hàm được Chỉ thị đề cập đến đáng chú ý là nhấn mạnh vào việc “xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp...”.
Trong bao năm qua, chúng ta nói rất nhiều về xây dựng văn hoá người Hà Nội hay nói rộng ra là xây dựng con người văn hoá. Có thể nói, để xây dựng văn hóa ứng xử, việc đưa ra một chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng như Hà Nội đang làm là cần thiết nhưng nếu không được thực hiện một cách thực chất, thì nó cũng không mang lại hiệu quả. Để tạo ra chuyển biến có lẽ phải bắt đầu từ sự nêu gương, từ chuyển biến của văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý và tính chất nêu gương, đảm bảo chuẩn mực trong ứng xử phát ngôn của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý.
Quản lý để tạo ra văn hoá con người không phải chỉ là quản lý ở lĩnh vực văn hoá. Mà mọi chính sách quản lý đều hướng tới văn hóa cho cộng đồng, là mọi chủ trương, chính sách, hành động, phát ngôn của người làm quản lý phải hướng đến phụng sự xã hội, làm lợi cho xã hội theo những quy định của pháp luật.
Không phải chỉ những chính sách vĩ mô mới tác động đến xã hội mà từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực, từng đơn vị trong bộ máy chính quyền đều tác động đến quản trị xã hội theo một cách nào đó.
Ở cấp nào cũng đòi hỏi nhà quản lý không chỉ cần tri thức chuyên môn ở lĩnh vực mình quản lý đủ để hiểu ngành, để tránh việc đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, vừa hỏng việc, vừa gây hại cho xã hội.
Trong những năm qua, không ít lần chúng ta đã được nghe những phát ngôn “dở khóc dở cười” của một số lãnh đạo đang giữ vị trí quản lý. Thậm chí có người đã từng phát ngôn “gia đình văn hóa phải là gia đình giàu sang”, tất nhiên, có móc thêm phạm trù “giàu sang một cách chính đáng”.
Xây dựng con người văn hoá phải được bắt đầu từ sự nêu gương của các “công bộc” của dân.
Theo đó, bản thân cán bộ phải liêm chính, có ứng xử, phát ngôn văn hoá.
Khi chúng tôi đem vấn đề này trao đổi, một cựu lãnh đạo từng quản lý văn hoá của Thủ đô cho rằng, văn hóa quản lý ở ta đang có những khủng hoảng. Nguyên nhân chính là do những người được giao quyền lực chưa thấm được cái gốc của nguyên tắc quản lý là cho con người, vì con người. Bác Hồ nói về điều này rất giản dị: Cái gì có lợi cho dân thì cố mà làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Sẽ không quá khi cho rằng sự thoái hóa, biến chất, tình trạng tham nhũng, sự xuống cấp của đạo đức xã hội bắt đầu từ sự xuống cấp của văn hóa quản lý. Mỗi cá nhân được giao làm công tác quản lý phải được tuyển chọn theo những tiêu chí của pháp luật và công việc chứ không theo những “quy trình” chỉ dành cho một số người, để một khi đã được lựa chọn thì họ không có điều kiện sa đọa. Mỗi cá nhân làm quản lý có nhân cách văn hóa sẽ tạo ra một văn hóa quản lý đáp ứng được đòi hỏi của xã hội.
Thay đổi văn hóa quản lý xã hội sẽ là động lực để hướng xã hội đến tầm văn hóa vì con người. Trong nền công vụ, liêm chính tức sự tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung gắn với từng vị trí công việc cụ thể của những người thực thi công vụ.
Trong đó, liêm chính của những người làm lãnh đạo được hiểu đầu tiên phải là giữ sự chuẩn mực, tuân thủ các nguyên tắc và đặc biệt là đề cao tính nêu gương.
Những việc yêu cầu người khác làm được thì trước tiên mình phải làm được, yêu cầu người khác không làm thì mình kiên quyết không làm. Tác phong của cán bộ lãnh đạo không những liên quan đến phẩm chất, đạo đức, hành vi và hình ảnh của họ, mà với việc “người ở trên làm như thế nào thì người ở dưới làm như thế ấy” thì phong cách, tác phong của họ còn tác động đến việc hình thành nếp sống xã hội.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ sự nêu gương của văn hoá lãnh đạo, quản lý, liêm chính của các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là chuẩn mực ứng xử, phát ngôn của người đứng đầu.