Nhầm lẫn tai hại
Ngày 22/2, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đã trực tiếp đến tận nhà nam bệnh nhân bị phẫu thuật nhầm để xin lỗi. Trước đó, nam bệnh nhân N.H.H. (trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được bác sĩ Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng tư vấn mổ nội soi ổ bụng để lấy dị vật đang nằm trong đó. Bác sĩ khẳng định, kết quả chụp X-Quang cho thấy trong ổ bụng của nam bệnh nhân này tồn tại dị vật là sợi dây ống, cần phải được lấy ra. Đáng tiếc, kết quả X-Quang này lại là của bệnh nhân khác.
Việc lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đến tận nhà nam bệnh nhân để xin lỗi là sự cầu thị đáng ghi nhận. Song, nếu không có việc trả kết quả X-Quang nhầm, càng không nên có việc “mổ nhầm” cho bệnh nhân thì có lẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi lẽ, trong việc điều trị cứu người, có những lỗi lầm có thể sửa chữa, xin lỗi, nhưng sẽ có những sai lầm không bao giờ có cơ hội làm lại, mà phải trả giá bằng chính mạng sống của bệnh nhân. Vì thế, việc bệnh viện này do bệnh viện trả kết quả chụp X-Quang dẫn đến “mổ nhầm” là điều khó có thể chấp nhận được.
Việc cứu người là công tác cần sự tỉ mỉ và hết sức cẩn trọng, nhưng lại có những sai sót tai hại như vậy làm sao khiến cho các bệnh nhân và người nhà có thể yên tâm khi điều trị bệnh?
Đáng tiếc, sự nhầm lẫn của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng lại không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là trường hợp cuối cùng nếu y bác sĩ các bệnh viện không có sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Từng có những vụ việc “lùm xùm” khiến dư luận xôn xao vì bác sĩ mổ nhầm tay, nhầm chân người bệnh. Những tưởng sau những vụ việc tai tiếng này, y bác sĩ các bệnh viện sẽ lấy đó làm “bài học” để không bao giờ xảy ra sai sót tương tự nữa, nhưng đến nay vẫn còn xuất hiện việc mổ nhầm tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.
Khoảng tháng 7/2016, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã phải đau đầu để ứng phó với dư luận vì một ca phẫu thuật nhầm chân trái sang chân phải. Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức lúc đó, do ê kíp mổ đã bỏ qua nhiều quy trình cần thiết, bắt buộc nên đã có sự nhầm lẫn tai hại nêu trên. Dĩ nhiên, những người trong ca mổ sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm điểm, phê bình, thậm chí là kỷ luật. Uy tín tạo dựng thì lâu, nhưng nếu vì một vài sai sót không đáng có sẽ tan biến trong thoáng chốc.
Trước đó, ê kíp phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An cũng đã xảy ra trường hợp mổ nhầm tay phải sang tay trái của bệnh nhân. Thay vì mổ tay phải của bệnh nhân để lấy đinh ra, các bác sĩ đã rạch tay trái, khi không thấy đinh mới khâu lại rồi mổ tay phải. Sở Y tế Nghệ An đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ đó. Có lỗi bị kỷ luật thì đúng rồi, nhưng nếu hậu quả đối với bệnh nhân không thể khắc phục thì sao đây? Vậy nên, cần coi những trường hợp nói trên là sự cảnh tỉnh cho các y bác sĩ để không bao giờ bị nhầm lẫn tai hại nữa.