Lại “nóng” xử lý bùn thải
Với hệ thống kênh rạch dày đặc, hàng năm TPHCM tổ chức việc nạo vét, khơi thông các khu vực bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, đồng thời cải thiện môi trường nước. Tuy nhiên, bùn thải sau nạo vét được xử lý thế nào vẫn là vấn đề nan giải .
Tại cuộc họp về xử lý bùn thải trên địa bàn TPHCM đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, tham mưu trình UBND thành phố về khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn thành phố. Song song đó, rà soát cập nhật các tiêu chí quy định về khu vực, địa điểm đổ thải chất nạo vét tại “bãi đổ riêng lẻ” mà Sở TNMT đã tham mưu trước đó vào dự thảo quy định liên quan.
Lý do khiến lãnh đạo TPHCM sốt ruột trong vấn đề xử lý bùn thải xuất phát từ thực trạng thiếu các điểm xử lý phù hợp, đảm bảo về môi trường. Đó là chưa kể, tình trạng đổ trộm hoặc khai thác trái phép bùn thải để tiêu thụ vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn.
Đơn cử tại các công trình “Duy tu nạo vét các tuyến rạch Đỉa - rạch Dơi - Sông Phú Xuân và “Duy tu nạo vét rạch Cả Cấm” tại huyện Cần Giờ của Trung tâm Quản lý Đường thủy, Sở TNMT đã gửi tờ trình xin chỉ đạo ý kiến về vị trí đổ bùn nạo vét phát sinh từ 2 công trình, đảm bảo đúng quy định.
Tại TP Thủ Đức, ngay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái khi tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Đồng Nai thuộc địa bàn phụ trách đã phát hiện, xử lý nhóm đối tượng và phương tiện đang thực hiện nạo vét bùn đất trái phép trên tuyến sông Tắc (khu vực thuộc Phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức). Qua điều tra ban đầu, phương tiện sà lan (số hiệu SG7104) được các đối tượng lấy từ lòng sông bằng kobe máy xúc. Mục đích, sau khi nạo vét đủ số lượng cần thiết sẽ đưa vào một “bến lậu” trên địa bàn TP Thủ Đức để tiêu thụ. Do thời gian gần đây đất cát san lấp đang khan hiếm nên các đối tượng trên có dấu hiệu nạo vét luồng trái phép để bán thu lợi bất chính. Đối tượng và tang vật, phương tiện của vụ việc đã được Công an TP Thủ Đức xác lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Không chỉ nổi cộm về tình trạng vi phạm trong nạo vét, khai thác bùn thải, giữa năm 2023, Thanh tra TPHCM khi vào cuộc thanh tra dự án đầu tư cải tạo kênh Ba Bò tại khu vực giáp ranh giữa phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức và phương Bình Hòa, TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) cũng đã kết luận, điểm mặt nhiều bất cập trong quá trình cải tạo kênh Ba Bò kém hiệu quả, gây lãng phí lớn. Trong số này, cơ sở dữ liệu của dự án chưa được đánh giá đầy đủ trong giai đoạn 5 - 10 năm, chưa phân tích đánh giá kỹ phương thức xử lý nguồn nước ô nhiễm theo công nghệ hồ sinh học; không có hệ thống chắn rác, vớt rác, bùn, thu gom rác từ đầu nguồn. Điều này đã dẫn đến hoạt động thu gom, vận chuyển đổ thải bùn nạo vét phát sinh trong quá trình thi công xây dựng không đúng các vị trí cam kết trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường.
Hệ thống kênh rạch trong nội thành TPHCM theo khảo sát có tổng chiều dài hơn 105km nhưng hiện nay có xu hướng ngày càng bị thu hẹp, ô nhiễm. Cùng với việc nạo vét kênh rạch, cải thiện môi trường, thành phố đã thực hiện song song việc di dời khoảng 6.500 nhà ven, trên kênh rạch. Dù vậy, nếu không có chủ trương, giải pháp xử lý ô nhiễm kênh rạch về lâu dài phù hợp với quy hoạch chung sẽ khiến TPHCM còn phải loay hoay để giải quyết trong thời gian tới.