Ứng xử ra sao với di sản kiến trúc đô thị?
Việt Nam sở hữu một “kho tàng” các di sản kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản này đang đứng trước nhiều thách thức.
Dấu ấn lịch sử
Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng không thể phủ nhận các di sản kiến trúc đô thị, đặc biệt các kiến trúc Pháp cổ đang là những dấu ấn văn hóa, lịch sử đang hiện hữu tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam.
Theo danh mục nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ được TP Hà Nội phân loại, bảo tồn từ năm 2013, Hà Nội đang có 1.216 biệt thự được xây dựng trước năm 1954 theo kiến trúc Pháp, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Còn với TPHCM, di sản kiến trúc là chợ Bến Thành, Nhà hát TP, Nhà thờ Đức Bà, Trụ sở UBND TP, Tòa án nhân dân TPHCM… Hay tại Đà Lạt với hàng trăm biệt thự cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Đà Lạt còn được nhìn nhận như một “bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”. Thống kê sơ bộ, hiện tại Đà Nẵng có hơn 20 công trình kiến trúc Pháp có giá trị, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu…
Thực tế cho thấy, trước quá trình đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc đô thị đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí là những tranh cãi chưa tìm ra câu trả lời thấu đáo. Đặc biệt, do nhận thức về di sản chưa đầy đủ, không đúng bản chất nên cách ứng xử chưa thỏa đáng, không phù hợp với những loại hình đặc thù như di sản kiến trúc đô thị.
GS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: “Chúng ta vẫn bị nhầm khái niệm khi ứng xử với di sản đô thị. Di sản đô thị là một thực thể sống. Chủ sở hữu của nhiều di sản chính là cộng đồng cư dân của đô thị ấy. Cuộc sống của người dân vẫn phải tiếp tục. Bởi thế, chúng tôi cho rằng phải dùng khái niệm duy trì chứ không phải là bảo tồn. Duy trì là biện pháp giữ gìn di sản trong dòng chảy cuộc sống, chứ không phải bảo tồn một cách cứng nhắc. Duy trì gắn với khơi dòng cho di sản đô thị, để di sản cộng sinh trong lòng cuộc sống, tạo ra mối quan hệ giữa cổ – cũ, nay – mai”.
Để di sản mãi trường tồn
Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc đô thị đã và đang được các nhà quản lý tháo gỡ các “nút thắt”, nhưng dường như vẫn cần rõ ràng vấn đề công và tư.
Nhìn từ thực tiễn bảo tồn một số di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội như khu trung tâm chính trị Ba Đình, Khu biệt thự là đại sứ quán các nước đã cho kết quả tốt. Một số công trình có giá trị là Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà 90 Thợ Nhuộm… đã được công nhận là Di tích Quốc gia theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, khu vực Nam Hồ Gươm đã bị xen cấy nhiều công trình cao tầng, điều này đã làm thay đổi hình thái không gian đô thị. Việc xây dựng cải tạo theo hướng giả cổ đã gia tăng nguy cơ làm sai lệch giá trị di sản, gây nhầm lẫn đối với các giá trị gốc của di sản. Bên cạnh đó, chính sách nhà ở có yếu tố lịch sử đã làm cho các biệt thự có tình trạng đa sở hữu, dẫn đến không kiểm soát được việc lấn chiếm, cơi nới làm thay đổi cấu trúc, hình thái của công trình và cảnh quan tuyến phố.
Dẫn chứng, KTS Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho hay, Sa Pa (Lào Cai) trải qua hơn 100 năm với nhiều biến cố lịch sử, đến nay, nhiều biệt thự Pháp cổ dần biến mất, bị thay thế bởi gần 200 công trình xây mới, hầu hết là các cơ sở lưu trú. Đến nay, số công trình Pháp cổ còn lại rất ít. Hay tại Đà Lạt, hiện nhiều biệt thự do cũ nát, không được đưa vào danh mục quản lý, đã bị phá hủy, thay thế trong bối cảnh thành phố đang “dung nạp” thêm nhiều thể loại kiến trúc mới không khác các đô thị lớn khác trên cả nước. Những kiến trúc này không làm nên đặc trưng mới cho đô thị Đà Lạt. Sự thịnh hành của nhà chia lô, tỷ lệ bê tông hóa cao… đang làm giảm đi giá trị kiến trúc cảnh quan, có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt.
KTS Nguyễn Quốc Tuân cũng cho rằng, với các di sản kiến trúc đô thị từ hơn 100 năm qua, đa số các công trình được hình thành dưới thời kỳ này đến nay vẫn đang được chúng ta khai thác, sử dụng hàng ngày. Do đó, trong bảo tồn nhóm di sản này, không thể “đóng băng” như bảo tồn di tích, mà phải tiếp tục phát huy giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của nhóm di sản này.
Cần phải khẳng định rằng, di sản kiến trúc đô thị là tài nguyên hữu hình rất có giá trị trong đô thị. Nếu được quản lý, khai thác, phát huy giá trị một cách hiệu quả, chúng sẽ được “sống” và trở thành những địa điểm quan trọng, thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế đô thị hiệu quả và bền vững.