Nhật Bản đối mặt tình trạng hóa lỏng ở vùng động đất
Gần 2 tháng sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter vào ngày đầu năm mới 2024 ở miền Trung Nhật Bản, hiện tượng hóa lỏng đang gây cản trở các nỗ lực nhằm khôi phục cơ sở hạ tầng ở các khu vực bị ảnh hưởng khi độ bền của đất bị suy giảm.
Giáo sư Fumihiko Imamura làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc tế về khoa học thảm họa (thuộc Trường Đại học Tohoku) cho biết, hiện tượng hóa lỏng xảy ra khi hơi ẩm trong đất, đặc biệt là ở các khu vực ven biển, do bị rung chuyển nên đã thoát ra khỏi các hạt đất thường dính chặt với nhau.
“Nước nhẹ hơn nên sẽ dâng lên. Đó là lý do tại sao mọi người sẽ thấy những hố ga được nâng lên hoặc cát nổi lên trên đất liền” – ông Imamura nói.
Trong trận động đất ở bán đảo Noto, hiện tượng hóa lỏng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở các thành phố như Wajima và Suzu của tỉnh Ishikawa. Nhưng hiện tượng này cũng xảy ra trên phạm vi rộng lớn của bờ biển Nhật Bản, từ thị trấn Uchinada gần thủ phủ Kanazawa của tỉnh Ishikawa đến các thành phố Niigata và Joetsu ở tỉnh lân cận Niigata.
Trong trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản vào tháng 3/2011, vùng đất khai hoang ở Urayasu, tỉnh Chiba cũng bị hóa lỏng. Mặc dù cách tâm chấn khoảng 300km nhưng bùn lầy vẫn sủi bọt từ các vết nứt và đường phố bị biến dạng.
Thống đốc tỉnh Ishikawa Hiroshi Hase nhận thức rõ tình hình và đã đến Uchinada nhiều lần trong tháng qua để kiểm tra tình trạng ngày càng xấu đi của đất và đường ống ngầm do trọng lượng của các tòa nhà và các công trình khác gây áp lực lên chúng.
Ông Hiroshi Hase cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 2 rằng, ông đã yêu cầu chính quyền trung ương tiến hành một cuộc điều tra về hiện tượng hóa lỏng ở Uchinada, đồng thời nói thêm rằng, thị trấn sẽ không đủ tiềm lực để tự tiến hành cuộc điều tra quy mô lớn cần thiết.
Ông Hiroyasu Kawashima - người phát ngôn của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, nắp hố ga và đường ống nước thải ngầm nối với chúng cần được sửa chữa riêng. Chính quyền các thành phố sẽ cần phải cắt bỏ các hố ga nhô cao và đặt các tấm sắt lên trên để giao thông thông suốt hơn. Trong khi đó, nhiều đường ống trên khắp đất nước vẫn chưa được gia cố địa chấn, điều này có thể ngăn cản việc nâng nắp hố ga. Điều này áp dụng cho nhiều khu vực ở Wajima và Suzu.
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3/2022, trong số 86.594km đường ống chính cần gia cố địa chấn, chỉ có 47.466km, tương đương khoảng 55% được gia cố. “Đó là một thảm họa kép. Sự hóa lỏng trùng lặp với các loại thảm họa như động đất và sóng thần, có nhiều giai đoạn mà các thảm họa xảy ra cùng lúc và đây là điều chúng ta sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn” - ông Imamura nói.
Giáo sư Imamura - người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về vụ động đất năm 2011 ở Tohoku cho biết, việc tái thiết khu vực Tohoku diễn ra nhanh hơn vì trận sóng thần mạnh xảy ra đã cuốn trôi mọi thứ. Đối với trận động đất vào ngày đầu năm mới 2024, sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi tình trạng hóa lỏng ở bán đảo Noto có thể được giải quyết, vì cần phải gia cố nền đất và xác định mức độ phục hồi cần thiết.
Đối với ông Imamura, còn có một câu hỏi lớn hơn: Liệu Nhật Bản đã sẵn sàng cho một thảm họa khác chưa? Nhật Bản vẫn cập nhật khả năng ứng phó với thảm họa dựa trên kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp, nhưng chậm hơn một chút.
Bên cạnh việc tập trung vào khắc phục tình hình sau động đất, chính quyền Nhật Bản cũng rất quan tâm đến điều kiện làm việc của những nhân viên cứu trợ. Ngày 20/2, Chính quyền tỉnh Ishikawa thông báo, họ có kế hoạch thiết lập các cơ sở lưu trú tạm thời tại sân bay Noto ở phía bắc Bán đảo Noto để hỗ trợ những người đang nỗ lực khắc phục các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày đầu năm mới.
Một khách sạn “con nhộng” với 82 phòng, có sức chứa lên tới 134 người, sẽ được xây dựng gần nhà ga sân bay và sẵn sàng đón khách vào cuối tháng 3, cung cấp nơi nghỉ ngơi cho nhân viên chính quyền địa phương, tình nguyện viên, nhân viên y tế, phúc lợi, và những người khác tham gia vào các nỗ lực cứu trợ.
Thống đốc Hiroshi Hase cho biết: “Các khách sạn và nhà trọ đã bị hư hại nghiêm trọng. Cần phải đảm bảo có nơi ở vì các nhân viên cứu trợ cũng cần được nghỉ ngơi”.
Chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết, khoảng 4.000 nhân viên hiện đang được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng, cung cấp hỗ trợ quan trọng cho chính quyền địa phương, hoạt động tạm trú và nạn nhân thiên tai. 4.000 công nhân khác đang tích cực tham gia vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống cấp thoát nước và đường sá.
Ngoài sân bay Noto, chính quyền tỉnh Ishikawa có kế hoạch thành lập các cơ sở lưu trú tạm thời tại 6 thành phố và thị trấn, trong đó có Wajima và Suzu. Thị trưởng Hase cho biết: “Nhu cầu về chỗ ở sẽ tăng lên do việc điều động nhân viên từ trung đến dài hạn và bắt đầu các hoạt động tình nguyện chính thức. Điều quan trọng là phải đảm bảo và nâng cấp những cơ sở này để phục hồi nhanh chóng”.
Trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra ngày 1/1 tại tỉnh Ishikawa của Nhật Bản, cùng hàng trăm dư chấn đã ảnh hưởng đến bán đảo Noto và các khu vực xung quanh tỉnh này. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 232 người và khiến hơn 1.000 người bị thương.