Thi đánh giá năng lực: Thí sinh có cần tới ‘lò luyện’?
Thay vì đến các lò luyện thi, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy cần nắm chắc cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển vào nhiều trường đại học bằng cách tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường tổ chức.
Năm 2024, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở 6 đợt thi đánh giá tư duy ở 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Hiện đã có 2 đợt thi được hoàn thành, đợt thi thứ 3 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2024. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.
Năm 2023, có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh. Năm nay dự kiến số trường sử dụng kết quả bài thi này để tuyển sinh tiếp tục tăng.
Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - Đại học Quốc gia TP HCM vừa công bố danh sách 105 đơn vị đại học và cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường để xét tuyển năm 2024. Trong đó, có 88 đơn vị đào tạo bên ngoài sử dụng kết quả thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024.
Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM năm nay sẽ tổ chức 2 đợt thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi. Cổng đăng ký đợt 1 đã mở vào ngày 18/2 vừa qua. Đợt đăng ký này sẽ dành cho những thí sinh dự kỳ thi trong khoảng thời gian ngày 23 và 24/3.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, có gần 70 trường đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường. Năm nay, tính sơ bộ, số trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển có thể lên đến gần 100 trường đại học khu vực phía Bắc. Ngoài ra, một số trường đại học khu vực phía Nam cũng tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi trong thời gian tới.
Để tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đạt kết quả cao nhất, nhiều thí sinh có tâm lý tìm “lò luyện” thi. Tuy nhiên, đại diện các trường lưu ý thí sinh cần nắm chắc cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, cách thức đơn giản nhất để làm tốt bài thi đánh giá năng lực là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Việc làm thử đề thi tham khảo trước ngày thi giúp thí sinh làm quen với cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi để đưa ra lựa chọn thích hợp nhất.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã công bố đề tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 để thí sinh có định hướng trong học tập. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường dự kiến tổ chức kỳ thi một đợt duy nhất trong năm vào ngày 11/5.
Cấu trúc bài thi giữ ổn định như năm trước. Vì vậy, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh không cần qua “lò luyện”. Giảng viên nhà trường không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực nên thí sinh đừng tin vào các lớp luyện thi.
Giảng viên nhà trường có thể tham gia soạn thảo đề thi nhưng không có nghĩa sẽ dùng đề thi của giảng viên đó. Khi có ngân hàng đề thi, trường có thể lấy các tổ hợp ngẫu nhiên, không phải đề thi của cá nhân nào. Thực tế, nhiều thầy, cô ra đề thi nên không ai có thể liên kết với bên ngoài để tổ chức luyện thi cho học sinh.