Tuyển sinh đại học 2024: Phương thức truyền thống vẫn rộng cửa
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) cho biết, năm 2024 vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Chuẩn bị chu đáo trước kỳ thi
PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ giữ ổn định về phương thức như năm 2023. Cụ thể, thí sinh sẽ tham gia với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân - đối với học sinh THPT hoặc Lịch sử, Địa lý - đối với học viên giáo dục thường xuyên). Học sinh THPT bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp, bao gồm 3 bài thi độc lập và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp.
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 6/2024. Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi này, Sở GDĐT Hà Nội vừa đề ra 5 giải pháp tổ chức tốt kỳ thi. Trong đó có việc tăng cường kỷ cương, nề nếp phòng thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi; chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
Năm nay, bên cạnh việc tổ chức khảo sát cho học sinh lớp 12 như mọi năm, Sở GDĐT Hà Nội còn mở rộng đối tượng khảo sát là học sinh lớp 11. Điều này nhằm giúp học sinh có điều kiện làm quen, tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê sơ bộ, dự kiến có khoảng 200.000 học sinh lớp 11 và lớp 12 tham gia kỳ khảo sát. Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn TP Hà Nội đạt 99,56%, trong đó khối giáo dục trung học đạt 99,75% và khối giáo dục thường xuyên đạt 98,29%. Có 154 cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
Nhiều chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT
Theo thông tin từ ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2024 trường dành 50% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến dành 9.260 chỉ tiêu tuyển sinh theo 3 phương thức là xét tuyển tài năng (20%), xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (30%), xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (50%). Các tổ hợp xét tuyển của ĐH Bách khoa gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (tùy theo từng chương trình đào tạo).
Trước đó, trong Đề án tuyển sinh 2024, Trường ĐH Ngoại thương vẫn giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2023. Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ là trường này đã đưa ra điều kiện mới áp dụng năm nay để được đăng ký xét tuyển. Theo đó, năm 2024 với các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT, trường ĐH Ngoại thương thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường là 24 điểm trở lên.
Theo đề án tuyển sinh ĐH năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu).
Ở phía Nam, Trường ĐH Luật TPHCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.
Bộ GDĐT lưu ý, các trường ĐH cân nhắc khi sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, cần có chọn lọc trên cơ sở khoa học, công bằng với thí sinh. Còn thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của các trường để đăng ký xét tuyển cho phù hợp.