Ngày thơ Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước” là cuộc hội ngộ thi ca các dân tộc Việt Nam. Sự hòa quyện của âm thanh và những vần thơ đã mang đến công chúng những di sản thi ca 54 dân tộc anh em.
Mặc dù trời có mưa nhẹ và kéo dài nhưng các thi nhân, mặc khách chung niềm đam mê thơ ca trong và ngoài nước vẫn đổ về với Ngày thơ Việt Nam, tạo nên bầu không khí sôi động, đầy ấm áp. Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, ngay từ cổng thơ là những chàng trai cô gái xứ Mường với chiếc cồng chiêng đã tạo lên âm vang đất trời. Đây là điều hết sức mới mẻ, tạo cho người dân và khách thơ sự thích thú. Bước qua cổng thơ là đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay. Tất cả có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc. Mặc dù mưa rét nhưng nhiều người yêu thơ vẫn đến để thưởng thức những vẫn thơ của các nhà thơ đến từ 54 dân tộc. Không chỉ những người lớn tuổi, Ngày Thơ Việt Nam cũng thu hút nhiều bạn trẻ. Cuối Ðường thơ, khán giả sẽ đến Nhà ký ức, nơi trưng bày các hiện vật đặc biệt của các nhà thơ tên tuổi qua nhiều thời kỳ do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Không gian Nhà ký ức là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Người yêu thơ có cơ hội chiêm ngưỡng các kỷ vật của nhiều nhà thơ. Điểm đến cuối cùng là sân khấu chính - một vầng trăng trọn vẹn, kết thúc hành trình của vầng trăng non từ cổng thơ đến nơi diễn ra Đêm thơ.
Phạm Sỹ