Cán bộ Mặt trận trên 'tuyến đầu'
Công tác Mặt trận là công tác vận động quần chúng nhân dân. Nhưng để có thể thuyết phục được quần chúng, tin tưởng và làm theo thì cán bộ Mặt trận phải gương mẫu đi đầu.
Trong bối cảnh hôm nay, cán bộ phải giỏi làm kinh tế, năng động, sáng tạo trong đổi mới cách làm ăn, đưa những phương thức làm ăn mới về cộng đồng. Đó là câu chuyện về những tấm gương cán bộ Mặt trận cơ sở trên vùng quê chè Thái Nguyên.
Những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những tỉnh có sự chuyển mình mạnh mẽ nhất ở miền Bắc, trở thành tỉnh trung du miền núi có nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc. Đường lớn mở ra, nông thôn đổi mới, đô thị phát triển, sản xuất tập trung mở rộng.
Trong niềm vui chung ấy, có niềm vui, niềm tự hào của những người làm công tác Mặt trận. Mặt trận đưa chủ trương, chính sách đến với nhân dân. Mặt trận lại đại diện cho tiếng nói của nhân dân hoàn chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương. Càng ở cơ sở, hoạt động của Mặt trận càng sinh động. Càng làm ở cơ sở, càng khó. Bởi mỗi hoạt động của người cán bộ thì “dân biết, dân bàn”.
Phương tiện truyền thông phát triển, chỉ một hành vi chưa đẹp của cán bộ Mặt trận cũng có thể bị đưa lên mạng xã hội. Nhưng ngược lại, một tấm gương điển hình cũng rất có thể được lan tỏa nhanh chóng... Trong cái khó có cái dễ là vì thế, nếu người làm công tác Mặt trận cấp xã, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư biết gương mẫu, xông pha. Về Thái Nguyên hôm nay, chúng tôi được nghe không hiếm những câu chuyện như thế.
Phú Lương là huyện miền núi của Thái Nguyên. Trước đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đi lại phức tạp, phương thức làm ăn cũ. Cái khó chỉ ở lại sau lưng khi người ta dám nghĩ, dám làm.
Ông Đàm Văn Thủy - Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng là một người như thế. Từng phát triển nghề nung gạch, nhưng năm 2014, trong một lần đi tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi điển hình của xã bạn, ông chợt nảy ra ý định đầu tư vào chăn nuôi gà đẻ.
Với quyết tâm phải làm cho bằng được, ông bàn với vợ con, đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi gần nhà và đầu tư vào con giống. Thành công không đến ngay khi chưa có kinh nghiệm. Ông từng thiệt hại nhiều chục triệu đồng đi vay, nhưng rồi lại xây dựng từ đầu. Cứ kiên trì như thế, đàn gà tăng dần lên con số hàng trăm, hàng nghìn, rồi hàng vạn.
Năm 2017, ông Thủy chuyển khu chăn nuôi của gia đình đến địa điểm mới vừa phát triển chăn nuôi vừa để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại với diện tích hơn 3.500m2 để chăn nuôi gà đẻ, chim bồ câu, nuôi ong lấy mật, trồng chè cành và cây ăn quả.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn chia sẻ với người dân trong xóm về mô hình chăn nuôi của mình, hỗ trợ người nuôi về con giống, kỹ thuật, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương để từ đó phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân trên quê hương mình.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, ông Thủy cười khiêm tốn: Muốn nói để người dân hiểu và làm theo thì trước tiên mình phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trước đã. Hiện giờ, cả xóm chỉ còn 2/225 hộ nghèo.
Ngoài ra, ông còn tuyên truyền, vận động người dân trong xóm đóng góp ngày công lao động, kinh phí mua sắm trang thiết bị điện đường chiếu sáng được hơn 2km, cùng nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp...
Gần như đi tới đâu, chúng tôi cũng nghe râm ran những câu chuyện về tấm gương Mặt trận như thế. Nhiều người bảo rằng, đúng là cán bộ Mặt trận phải trên tuyến đầu của các “mặt trận”.
Gắn bó với công tác Mặt trận từ năm 2005 tới nay, ông Dương Văn Thiệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dương Thành, huyện Phú Bình được nhiều người gọi vui là “ông Mặt trận đa năng”. Bởi ngoài luôn gương mẫu, tận tâm trong công việc, triển khai hoạt động của MTTQ xã hướng về khu dân cư, ông Thiệu luôn chú trọng việc vận động nhân dân trong xã tích cực tham gia lao động, sản xuất vươn lên làm giàu, vận động người dân tham gia các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, hợp tác xã rau củ quả, hợp tác xã chăn nuôi; vận động nhân dân góp sức xây dựng quê hương…
Ở mảng công việc nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc. Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác Mặt trận, ông Thiệu cho biết, cán bộ Mặt trận phải hướng các hoạt động về cơ sở, các xóm và cộng đồng dân cư, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc đều được đưa ra bàn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mọi việc làm đều lấy người dân làm chủ thể.
Ông Thiệu chia sẻ, làm cán bộ, đặc biệt là cán bộ Mặt trận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm”. Ông luôn thấm nhuần điều này trong công tác. Nhiều năm qua, ông đã cùng bà con trong xã chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, “dệt” lên một miền quê đáng sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Tiến cho biết, mỗi cán bộ Mặt trận ở cơ sở mặc dù có cách thể hiện khác nhau về phương thức, cách làm nhưng có điểm chung nhất là họ thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào công tác Mặt trận, là những người “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Những việc làm và đóng góp của Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng ban Công tác Mặt trận thực sự là những nhân tố góp phần quan trọng trong xây dựng phát huy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh, đặc biệt đội ngũ cán bộ là Mặt trận ở khu dân cư mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn lặn lội với các phong trào “ăn cơm nhà” lo việc làng, việc xã, hết lòng tận tụy với nhân dân.