Kinh tế

Thả câu vàng - nghề ‘săn’ cá giá trị cao của ngư dân ven biển

NGHĨA VĂN 25/02/2024 08:40

Nghề thả câu vàng giúp ngư dân đánh bắt được những loại cá có giá trị cao như: cá hồng, cá ong, cá mú… Đôi khi, một con cá ngư dân câu được đã có giá đến vài triệu đồng.

a4.jpg
Ngư dân Hoàng Ngọc Quốc giới thiệu “bộ đồ nghề” với phóng viên. Ảnh: N.V.

Câu vàng là cách người dân xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và một số vùng lân cận gọi bộ dụng cụ sử dụng để đánh bắt các loại cá có giá trị cao trên sông, trên biển.

Theo đó, câu vàng gồm: triêng (một cuộn dây cước to bằng ngòi bút bi, dài chừng 500m) và thẻo (đoạn cước nhỏ hơn dài khoảng 1 - 2m, một đầu gắn lưỡi câu, đầu còn lại gắn với triêng). Triêng lại được chia thành 4 chặng, mỗi chặng gắn 120 lưỡi câu, khoảng cách giữa các lưỡi câu chừng 3m.

“Nghề thả câu vàng có thể làm quanh năm và làm ngày hay đêm gì cũng được nhưng chủ yếu là từ tháng 8 năm trước đến khoảng tháng 1, 2 năm sau. Nếu đánh bắt buổi tối thì đi từ cuối giờ chiều hôm nay đến sáng mai về. Nếu đánh bắt buổi ngày thì sáng đi, cuối buổi chiều cùng ngày về. Thả câu vàng thường để đánh bắt các loại cá như: cá hồng, cá ong, cá mú…

Mấy loại này bán được giá lắm, loại nào cũng trên 100 nghìn đồng/1 kg hết. Đôi khi chúng tôi cũng câu được cá to trong đó có những con bán được cả vài triệu đồng”, ông Hoàng Dưỡng (51 tuổi, ngư dân trú tại thôn Xuân Lộc) cho hay.

Kể cho chúng tôi về quá trình thả câu vàng, ông Dưỡng cho hay, họ thường dùng thuyền nhỏ để di chuyển và mỗi chuyến đi đánh bắt có 2 người. Trong đó, một người sẽ đảm nhận nhiệm vụ lái thuyền, người còn lại sẽ thực hiện việc gắn mồi câu, kiểm tra lưỡi câu và thu hoạch cá.

“Lúc thuyền ra gần đến chỗ đánh bắt, người lái cứ lái, người còn lại sẽ móc mồi vào lưỡi câu. Mồi chủ yếu là tôm đất đang còn sống nên khi móc sẽ khó khăn hơn. Phải là người có kinh nghiệm mới làm được. Sơ sẩy một chút là không móc được mồi mà còn bị lưỡi câu đâm vào tay hoặc làm cho câu vàng bị rối, lưỡi câu mắc hết vào nhau không thể thả xuống câu cá được”, ông Dưỡng cho biết thêm.

Để đánh dấu vị trí câu vàng, ngư dân buộc vào đầu triêng một chiếc phao có gắn cờ (nếu đánh bắt buổi ngày) hoặc gắn một vật phát sáng (nếu đánh bắt vào ban đêm). Sau khi hoàn thành việc thả câu vàng xuống biển, họ điều khiển tàu trở lại điểm đầu tiên để tiến hành kiểm tra từng lưỡi câu và thu hoạch cá. Việc kiểm tra, thu hoạch được thực hiện tuần tự, liên tục cho đến lúc kết thúc buổi đánh bắt.

a1(1).jpg
Lưỡi câu ngư dân dùng để gắn vào câu vàng.

“Vì là cá có giá trị cao nên luôn được thương lái săn đón. Mỗi khi chúng tôi vào bờ là họ đã đến đợi để thu mua ngay. Thông thường trừ chi phí mỗi chuyến đi về cũng còn lại khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/2 người”, ông Dưỡng ước tính.

Là người có kinh nghiệm gần 40 năm đi biển, ngư dân Hoàng Ngọc Quốc (54 tuổi, trú thôn Xuân Lộc) chia sẻ, hiện nay, nhờ có công nghệ, nghề thả câu vàng nói riêng và các loại hình đánh bắt thủy hải sản nói chung gặp nhiều thuận lợi.

“Đúng là mỗi chuyến có thể thu được tiền triệu đấy nhưng nay chả còn mấy ai làm. Hiện tại, ở đây chỉ còn khoảng chục người làm. Trong đó, người trẻ nhất cũng trên 40 tuổi rồi”, ông Quốc nhẩm đếm, nói và giải thích, cũng như các phương thức đánh bắt thủy hải sản khác, thả câu vàng là nghề mệt nhọc, nguy hiểm và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, bởi vậy đến nay, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề này, thay vào đó, họ lựa chọn đến các công ty, xí nghiệp… để có công việc, thu nhập ổn định hơn và môi trường làm việc nhộn nhịp hơn.

Bà Hoàng Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho hay, thả câu vàng, pha xúc và vây là 3 hình thức đánh bắt thủy hải sản phổ biến của ngư dân tại địa phương. Trong đó, nghề thả câu vàng mỗi năm đóng góp khoảng 20% sản lượng thủy hải sản đánh bắt được của xã Gio Việt.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt, nghề thả câu vàng đã có từ nhiều đời nay và được thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Nghề thả câu vàng góp phần phát triển kinh tế các hộ gia đình, giúp họ có đủ điều kiện nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

NGHĨA VĂN