Văn hóa

Chân dung của Chân dung

LÊ THIẾT CƯƠNG 25/02/2024 09:19

Chân dung, một thể loại cơ bản của hội họa, chẳng thuộc riêng ai, chẳng cũ mới gì, từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây đều vậy.

chan-dung-tu-hoa.jpg
Chân dung tự họa của họa sĩ Phạm Luận.
anh-tac-pham-pham-luan-1_page_2.jpg
Cô gái ngồi trước tranh chim công.
luong-xuan-doan.jpg
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn.
dao-hai-phong.jpg
Họa sĩ Đào Hải Phong.

Hiếm có họa sĩ nào không đi qua chân dung? Ít hay nhiều và thành hay không thôi. Trần Văn Cẩn với “Chân dung em Thúy”, Lưu Công Nhân, Dương Bích Liên, Linh Chi vẽ nhiều chân dung.

Văn Cao, Nguyễn Sáng vẽ chân dung ít nhưng đều có những bức đẹp...

Trong một cuốn sách giới thiệu những tác phẩm chân dung của Van Gogh, bên cạnh tranh là ảnh của nhân vật, ví dụ: Chân dung Theo Van Gogh, chân dung bác sĩ Paul Gachet, chân dung Père Tanguy…

Chắc hẳn để người xem tiện so sánh nhân vật và nhân vật trong tranh, hiện thực và nghệ thuật khác nhau thế nào.

Vậy thì tranh chân dung, nó là cái gì?

Giản dị nhất, một bức chân dung được coi là thành công phải có hai tiêu chí, một là giống mẫu và hai là không vì mải mê chạy theo mẫu mà quên “cách vẽ” của mình. Có nghĩa là họa sĩ muốn vẽ ai thì vẽ nhưng người xem vẫn nhận ra cá tính của người vẽ.

Nói cách khác trong một bức chân dung luôn có hai chân dung, chân dung người được vẽ và “chân dung” người vẽ. Giả sử một bức tranh chân dung mà chỉ giống mẫu thì đó mới đạt đến tranh truyền thần thôi, đâu phải là tranh. Có lẽ vậy?

Phòng khách nhà bạn tôi có treo một bức chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái. Anh ấy không có họ hàng gì với người họa sĩ. Mua và treo bức ấy trong nhà vì anh bạn tôi thích phong cách của Phái, anh ta coi đó là bức tranh đẹp như những bức Phái vẽ phố thôi.

Với triển lãm “Phạm Luận - Chân dung”, hơn 50 bức chân dung, sơn dầu.

Tôi nghĩ, chính xác thì nên hiểu là Phạm Luận với chân dung, tức là Phạm Luận đối thoại với hội họa qua chân dung, trò chuyện với chân dung vì đa phần đều là những người thân trong vòng sống của anh: gia đình, vợ con, bạn bè, đồng nghiệp.

Cũng phải thôi, trong nghệ thuật thì đề tài là cái khoảng hiện thực mà nghệ sĩ hiểu nhất, thuộc nhất, đi về với nó và gắn bó nhất. Trò chuyện thì phải thân tình mới chia sẻ được chứ?

Phạm Luận thành danh với thể loại phong cảnh, nhất là phong cảnh phố Hà Nội qua điểm nhìn ánh sáng của họa phái Ấn tượng, bút pháp sơn dầu phóng khoáng, vết bút, sơn, màu khỏe chắc dứt khoát để tạo hình, tạo đậm nhạt của Hậu Ấn tượng.

Thật may mắn khi ông giữ được thế mạnh này khi chuyển từ phong cảnh sang chân dung. Chân dung của Phạm Luận không bị sa đà vào tô màu, vào tả kể lối vờn tỉa khéo tay, vẫn có khối, có sáng tối nhưng là bằng mảng miếng, bằng những nhát bút cộm sơn, tự nhiên không gò gẫm.

Ngoài một số bức thuần chân dung thì có vài bức là chân dung gia đình, nhóm chân dung kết hợp phong cảnh, hoặc phong cảnh là chính, nhân vật là điểm xuyết thêm vào.

Vẽ gì, vẽ ai thì khởi thủy cũng là chọn, sao lại vẽ người này mà không vẽ người kia? Cho nên chọn đã là vẽ rồi. Bức tranh là ứng xử, là giọng nói của họa sĩ với nhân vật mà mình chọn. Giọng kể ấy chính là màu gì, hình gì, đậm nhạt nóng lạnh ra sao để nó chở được cái tình của người vẽ đến nhân vật, buồn vui, nhớ nhung, yêu thương... Không có tình thì không có nghệ thuật, cái tình là hồn cốt của tác phẩm.

Ngắm nhìn những tác phẩm chân dung trong triển lãm này, người xem sẽ thấy một bức chân dung nữa đó là chân dung của họa sĩ Phạm Luận.

Triển lãm “Phạm Luận - Chân dung” đánh dấu một giai đoạn sáng tác khoảng 10 năm với chỉ một thể tài. Nhưng rộng hơn cũng là tâm huyết nghề, đúc kết, kinh nghiệm, tay nghề của Phạm Luận. Xin được giới thiệu triển lãm với cộng đồng yêu nghệ thuật.

Triển lãm “Phạm Luận - Chân dung” trưng bày 30 bức tranh trên chất liệu sơn dầu, kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 của họa sĩ. Triển lãm diễn ra từ ngày 28/2/2024 đến hết ngày 5/3/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

LÊ THIẾT CƯƠNG