Mặt trận

Ký ức đầy tự hào với bác Ba Nghĩa

THÀNH LUÂN 14/02/2024 09:26

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chia sẻ, ký ức của ông với Báo Giải Phóng gắn liền với sự may mắn được gần gũi bác Ba Nghĩa, tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Giải Phóng.

anh-2-ky-uc-day-tu-hao-voi-bao-giai-phong-va-bac-ba-nghia.jpg
Luật sư Trương Trọng Nghĩa trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa kể, khi thành lập vào cuối năm 1964, căn cứ Báo Giải Phóng bên cạnh cơ quan chủ quản là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đây gọi tắt là Mặt trận). Ở R (mật danh Chiến khu C), căn nhà của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng như bao căn nhà khác, chỉ vài mét vuông, bốn bề lộng gió, lợp lá trung quân - loại lá khó cháy, dưới những tán rừng già trên đất Tây Ninh, giáp với Campuchia.

Tại “tư dinh” ấy, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp nhà báo Madeleine Riffaud và Wilfred Burchett đến thăm Mặt trận.

“Tôi có vinh dự gặp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ lần đầu tại R vào đầu năm 1966. Là một trong số những người nhỏ tuổi của B5, tôi hay được sai qua B1 đưa bản thảo của Báo Giải Phóng cho bác Ba Nghĩa duyệt” - Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhớ lại - "Số đầu tiên của Báo Giải Phóng ra ngày 20/12/1964 do bác Ba Nghĩa chỉ đạo nội dung, dù lúc đó đã có nhà báo Kỳ Phương (nguyên Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc) làm chủ bút. Từ những ngày đầu lên chiến khu Bắc Tây Ninh khi mới 13 tuổi, rồi từng bước vừa học vừa làm để trở thành phóng viên của Báo Giải Phóng, động lực rất lớn đối với tôi đến từ tấm gương của Thủ trưởng cơ quan Mặt trận là bác Ba Nghĩa”.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ với Báo Giải Phóng, Luật sư Trương Trọng Nghĩa không thể nào quên giai đoạn mới tham gia cách mạng ở Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đóng ở Bến Cát (nay là một huyện của tỉnh Bình Dương).

“Dù còn nhỏ tuổi, tôi vẫn được cơ quan giao công việc. Ngày hai buổi, tôi chép tin đọc chậm của Thông tấn xã Việt Nam phát từ Đài Tiếng nói Việt Nam để Ban Trí vận làm tài liệu gửi vào Sài Gòn. Chép tin xong thì cắt giấy báo cũ làm bao thư để cơ quan sử dụng, rảnh thì phụ chị nuôi nấu cơm” - vừa tâm sự, Luật sư Nghĩa vừa trầm buồn nhìn di ảnh những đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh. Sau những trận đánh ác liệt, chịu những trận bom pháo suýt chết và nhiều lần phải chui địa đạo vì quân Mỹ càn quét An Tây, An Thành, tháng 11/1965, Trương Trọng Nghĩa và một số nhân viên trẻ của Ban Trí vận được đưa lên R, trở thành nhân viên Báo Giải Phóng.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa kể tiếp: “Từ cuối năm 1966, Báo Giải Phóng chuyển về căn cứ Bến Ra, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, trở thành Tiểu ban Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, mật danh là B18. Ở Báo Giải Phóng, tôi lại được giao nhiệm vụ nghe đài chép tin đọc chậm, giữ thư viện. Sau đó, được học một lớp đào tạo phóng viên ngắn hạn, rồi bắt đầu viết báo, do nhà báo Cao Kim trực tiếp dìu dắt. Khi mẩu tin đầu tiên được đăng trên báo, tôi mừng rơi nước mắt”.

Kể từ đó, Luật sư Trương Trọng Nghĩa không có dịp gặp trực tiếp bác Ba Nghĩa nhưng hình ảnh của Chủ tịch Mặt trận luôn khắc sâu vào tâm trí ông. Niềm tự hào, không khí sôi nổi của một giai đoạn lịch sử của Báo Giải Phóng thông qua ký ức của Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã “thấm vào từng con chữ” của chúng tôi khi viết những dòng này.

THÀNH LUÂN