Mặt trận

Tự hào là phóng viên Báo Giải Phóng

PHƯƠNG HÀ 16/02/2024 09:26

Chiếc xuồng giữa xôn xao mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của cô Sáu giao liên và tinh thần xả thân cho giang sơn thu về một cõi của lực lượng vũ trang và nhân dân Châu Thành vĩnh viễn neo vào ký ức tôi một thời chiến tranh làm phóng viên Báo Giải Phóng...

anh-2-tu-hao-la-phong-vien-bao-giai-phong.jpg
Ngày 20/12 hàng năm, anh chị em Báo Giải Phóng lại trở về thăm nơi tòa soạn trú đóng tại Bến Ra, Bắc Tây Ninh (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

1.Anh chị em trong tòa soạn Báo Giải Phóng thường gọi tôi là “dân Tà Ru” vì tôi ở tù ra tháng 3/1973 thì tháng 6 năm ấy, được kêu về làm phóng viên tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trú đóng ở chiến khu C, Bắc Tây Ninh, mật danh là R.

Được kêu về vì trong mấy tháng an dưỡng theo chế độ “trung táo” dành cho “những người chiến thắng lao tù trở về”, tôi viết một loạt bài mô tả nhà tù của địch, tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng không may bị địch bắt và phản ánh thiệt hại do không lực của Sài Gòn dội bom những vùng Chính phủ Cách mạng lâm thời kiểm soát sau Hiệp định Paris 1972, cho ba cơ quan truyền thông chủ yếu thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là Thông tấn xã Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Giải Phóng, cũng là viết cho thỏa ngòi bút sau mấy năm bị địch giam cầm, nên được người trực tiếp phụ trách Báo Giải Phóng Nguyễn Văn Khuynh (chức danh như Tổng Biên tập) chú ý.

2.Về Báo Giải Phóng, chưa kịp làm quen tất cả anh chị em trong cơ quan thì tôi được cử đi viết sự kiện bầu cử chính quyền nhân dân các xã giải phóng ở tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước (do Chính phủ Cách mạng lâm thời thành lập từ hai tỉnh Bình Long và Phước Long).

Bằng chiếc xe đạp cơ quan cấp, tôi theo đường mòn trong rừng, theo đường làng, đường lô đồn điền cao su đến xã này rồi xã khác, cảm giác tự do (sau khi ra tù) thật tuyệt vời, dù lúc ấy căn cứ Tống Lê Chân của địch gần mấy nơi tôi đến vẫn đang bị quân ta bao vây, đạn pháo của hai bên nổ đêm nổ ngày, đồn bốt của đối phương dọc lộ 13, 14 vẫn khống chế gần như cả vùng Đông Nam bộ.

Sau mấy bài báo về bầu cử chính quyền nhân dân cấp xã - những bài viết đầu tiên của tôi khi được là phóng viên Báo Giải Phóng, có lẽ đều là “dân Tà Ru” (Nguyễn Văn Khuynh là tù chính trị ở Côn Đảo, ra tù năm 1967), lại thấy tôi viết khá, nên ông lại cử xuống Vành đai Bình Đức vào gần cuối mùa nước nổi 1973.

Khi băng qua chót mũi Mỏ Vẹt thuộc huyện Chan Trea, tỉnh Svay Rieng - vùng đất Campuchia để xuống huyện Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa (nay là Long An) - nơi có đường dây giao liên vũ trang đưa cán bộ từ R đi công tác Khu 8 vượt Đồng Tháp Mười, vượt lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), tôi bị một toán lính Pol Pot vây chặt. Biết gặp nguy hiểm vì hồi đó, Khmer Đỏ thường bắt cán bộ, bộ đội ta đi lẻ để cướp súng, nhất là súng ngắn K54, K59, rồi giết, tôi chuẩn bị “ăn thua đủ” với tốp lính ấy thì may thay, một đơn vị bộ đội ta hành quân qua, đồng chí chỉ huy chắc dày dặn chiến trường Campuchia, đã xông ra giữa đám lính, nghiêm khắc cảnh cáo chúng, nhanh chóng kéo tôi thoát khỏi vòng vây.

Sáng hôm sau, tôi đến được bên này sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua Đức Huệ, được một cô giao liên tên Sáu đón bằng chiếc xuồng ba lá. Dù đã quen với chiến trường Trị - Thiên - Huế vô cùng ác liệt, nhưng khi chuẩn bị băng Đồng Tháp Mười, tôi vẫn hồi hộp. Mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười đâu đâu cũng mênh mông nước, xuồng cao tốc của địch từ Mộc Hóa, Cao Lãnh, Tam Nông quần thảo canh chừng Việt cộng, sau vài ngày đêm, Sáu đã “bàn giao” tôi cho trạm giao liên bắc lộ 4.

Đêm vượt lộ 4 khá hồi hộp, vì đồn địch chỉ cách vài trăm mét. Sau khi trinh sát không thấy lính Cộng hòa phục kích, giao liên trải bạt trên mặt lộ, khoát tay cho chúng tôi vọt lẹ rồi nhanh chóng cuốn bạt để địch không biết đêm qua Việt cộng qua lộ vì không có một dấu chân dính bùn sình.

Vất vả, hiểm nguy, nhưng sau một tuần tôi đã tới được Ban chỉ huy Vành đai Bình Đức. Đầu năm 1966, quân Mỹ xây căn cứ thủy bộ lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long sát bờ bắc sông Tiền thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, đặt tên là Đồng Tâm. Căn cứ cấp sư đoàn này khống chế cả một vùng rộng lớn dọc sông Tiền, khống chế cả Đồng Tháp Mười. Vì thế Bộ Tư lệnh Quân khu 8 phải thành lập một lực lượng vũ trang gồm du kích 6 xã Bình Đức, Phước Thạnh, Long Hưng, Song Thuận, Vĩnh Kim, Kim Sơn, bổ sung thêm lính huyện đội, hình thành một vành đai bao vây căn cứ Đồng Tâm, mà khi tôi đến, quân dân ở đây đã trải qua 7 năm đánh địch và tránh địch. Tôi được các đội du kích cho theo phục kích đối phương, được bà con bảo bọc trong mấy tháng trời nên đã hoàn thành những bài báo “sếp” Hai Khuynh giao.

Chiếc xuồng giữa xôn xao mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của cô Sáu giao liên và tinh thần xả thân cho giang sơn thu về một cõi của lực lượng vũ trang và nhân dân Châu Thành vĩnh viễn neo vào ký ức tôi một thời chiến tranh làm phóng viên Báo Giải Phóng...

3.Sau chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long và làm chủ đường 14 - con đường chiến lược nối Sài Gòn với Nam Tây Nguyên (từ ngày 17/12/1974 đến 6/1/1975), các cơ quan truyền thông thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục trở nên nhộn nhịp khác thường. Một số phóng viên tiếp tục được phái đi Tây Nguyên và chiến trường Khu 8, Khu 9.

Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (11/3/1975), chúng tôi trở về các cơ quan thông tấn, báo chí lúc này đã rời trụ sở từ rừng sâu Bến Ra ra bên lộ 4 nối thị xã Tây Ninh với biên giới Việt Nam - Campuchia thì nhận được lệnh chuẩn bị tham gia giải phóng Sài Gòn.

Báo Giải Phóng được chỉ thị vẽ maket mới để in tại Sài Gòn. Họa sĩ trình bày Dũng Tiến vẽ hàng chục kiểu manchette để cấp trên chọn, với yêu cầu cũng là chữ “Giải Phóng” nhưng khác hoàn toàn với manchette đang dùng. Ngoài anh chị em phóng viên đang ở mặt trận, chúng tôi được phân công những ai sẽ theo các cánh quân tiến về Sài Gòn, những ai phải “ở nhà” lo bài vở, in ấn những số báo cuối cùng ở chiến khu.

Ngày 20/4/1975, chúng tôi được phổ biến chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” và ngày 25/4, hầu hết lực lượng Báo Giải Phóng, kể cả chị nuôi lên đường tiến về Sài Gòn. Ngày 1/5, ở rừng Tây Ninh, số báo Giải Phóng cuối cùng của một thời chiến tranh giữ nước in với số lượng vượt trội so với mấy tuần trước nhưng không đủ phát hành ở vùng giải phóng Đông Nam bộ và đưa về Sài Gòn.

4.Trong khi khẩn trương chuẩn bị ra Báo Giải Phóng theo kế hoạch từ chiến khu thì cấp trên yêu cầu phải có ngay tờ báo mang tên Sài Gòn Giải phóng. Phụ trách trực tiếp Báo Giải Phóng trước và sau khi về Sài Gòn là nhà báo Nguyễn Văn Khuynh đã cùng họa sĩ Dũng Tiến lên ý tưởng và vẽ manchette Sài Gòn Giải phóng tại nhà 174 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), anh Nguyễn Hồ được giao phụ trách nội dung đã góp ý nên thêm vào dưới manchette tiêu đề “Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”.

Trong 5 ngày đêm chuẩn bị để xuất bản Sài Gòn Giải phóng vào đầu ngày 5/5 và 14 số báo tiếp theo, mỗi đêm chúng tôi ngủ nhiều nhất vài tiếng đồng hồ, đến bữa ăn, chị nuôi đem cơm nấu bằng chảo gang quân dụng mang từ rừng ra đến tận bàn làm việc cho anh chị em phóng viên, biên tập viên, nhưng bù lại, không khí làm báo chưa bao giờ sôi nổi đến vậy.

Chúng tôi càng được khích lệ khi có nhiều nhà báo trong số 23 nhật báo, tạp chí đối lập với chính quyền Sài Gòn và sinh viên, học sinh yêu nước tìm đến tòa soạn tự nguyện đưa tin, viết bài, chụp ảnh và dẫn đường; chủ nhà in và anh chị em công nhân Tân Minh Ấn quán ở 432 đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh) nhiệt tình hợp tác in báo Sài Gòn Giải phóng.

Báo Giải Phóng có một thuận lợi nữa là chị Mai Trang - một phóng viên quê Hải Phòng vào chiến trường năm 1969, được cử vào hoạt động giữa sào huyệt đối phương, đã đến “trình diện” tại 174 Hiền Vương khi bộ phận tiền phương của báo vừa có mặt. Thông thuộc Sài Gòn, lại có nhiều mối quan hệ, chị đã góp phần lo toan vật tư, nhất là giấy in báo cho tòa soạn. Một nguồn cổ vũ nữa đối với chúng tôi là báo in trên nửa triệu bản vẫn không đủ bán. Cứ khoảng 2 giờ hằng ngày là xe tải từ miền Đông, miền Tây Nam bộ xếp hàng dài nhận báo để kịp phát hành trong buổi sáng.

Ngày 19/5/1975, Tòa soạn Báo Giải Phóng làm xong Báo Sài Gòn Giải phóng số 15 thì có lệnh của trên bàn giao ngay cho Thành ủy Sài Gòn, kể cả nhà in, phần lớn nhân sự được giữ lại xuất bản Báo Giải Phóng vẫn với danh nghĩa Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Báo ra hằng ngày, 4 trang khổ lớn với manchette được họa sĩ Dũng Tiến vẽ đi vẽ lại trong những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư năm 1975.

Báo Giải Phóng được chuyển sang nhà 176 Hiền Vương, sát vách trụ sở cũ, là tòa nhà của một nhà tư sản nhập khẩu và phân phối thuốc tây lớn nhất miền Nam. Trung ương cử ông Nguyễn Thành Lê - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân vào làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng và Báo Giải Phóng được bổ sung nhiều cây bút của Báo Cứu Quốc, Báo Thống Nhất, Báo Nhân Dân, hầu hết là cán bộ tập kết trở về quê hương sau 21 năm xa cách.

Báo Giải Phóng ra số 412, cũng là số báo cuối cùng xuất bản ở TPHCM.

PHƯƠNG HÀ