Cần sự tri ân xứng đángđánh dấu mốc son 60 năm Báo Giải Phóng
Với những người sinh ra trong khói lửa chiến tranh như ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam những bản tin của Báo Giải Phóng được phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng mãi là những ký ức không thể nào quên.
Ông Vũ Trọng Kim nhớ lại: Ngày đó ở quê nhà (xóm An Đông, xã Bình Giang, Quảng Nam) lúc ông 14 tuổi, bắt đầu tham gia vào hoạt động ở xã là liên đội trưởng Thiếu niên Tiền Phong và được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Khi ấy, nhà ông có một cái radio mua từ Đà Nẵng và được giấu mang về vùng giải phóng. Chiếc đài là vật bất ly thân. Với một cái vỏ bao đựng chiếc đài nhỏ, một dây quàng đi đâu ông cũng có thể nghe được thông tin từ chiến trường miền Nam. Trên Đài Phát thanh Giải Phóng, hàng ngày là những tin tức nóng hổi về những sự kiện, những bài viết và thông tin quan trọng của Báo Giải Phóng về thắng lợi của quân, dân ta và những nội dung tuyên truyền vận động bà con mình tham gia vào cuộc kháng chiến
Theo ông Vũ Trọng Kim, thế hệ thanh niên ngày ấy chịu tác động của báo đài là nhiều. Bởi khi đó, không có ai đi tuyên truyền tổ chức lớp học hay gặp từng người để vận động một cách đầy đủ mà chủ yếu hàng ngày nghe tin tức qua đài phát thanh.
“Và sau đó, tôi bước vào con đường làm du kích và đi thanh niên xung phong, tham gia kháng chiến cũng nhờ tiếng nói từ Đài Phát thanh Giải Phóng trong đó có ảnh hưởng của các tờ báo khác như Báo Giải Phóng. Giai đoạn những năm 1970 khi vào chiến khu, tôi mới trực tiếp nhìn thấy tờ báo Giải Phóng. Tờ in rất mộc mạc đơn sơ nhưng nội dung phong phú. Mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hơn 10 năm nhưng vai trò lịch sử của tờ báo Giải Phóng rất sâu sắc và mạnh mẽ khi cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Nói về những đóng góp của Báo Giải Phóng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông Vũ Trọng Kim xúc động cho rằng, với những ai đã từng trải qua chiến tranh đều hiểu một ngày là bằng bao nhiêu năm, huống chi tờ báo có lịch sử hơn 10 năm thì bằng biết bao thời gian quãng đời một con người. Đó là chồng chất những dấu mốc lịch sử với bao nhiêu sự kiện.
“Trong kháng chiến, một giờ, một phút, một ngày, một tháng đều rất thiêng liêng. Những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất khi đế quốc Mỹ dùng toàn lực tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và xua quân ngụy ra để tham chiến. Bộ máy tuyên truyền của địch rất khủng khiếp, chúng rải truyền đơn đầy trời, máy bay đến mở loa phóng thanh ở từng xóm từng làng nhưng không thể áp chế được tiếng nói của quân giải phóng từ những binh chủng báo chí cách mạng như Báo Giải Phóng”, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.
Theo ông Vũ Trọng Kim, ở vào thời điểm đấy công cụ tuyên truyền của chúng ta không mạnh lắm nhưng chúng ta chiến thắng nhờ sức mạnh của ý chí và chính nghĩa.
Vượt qua những hàng rào điện tử, hàng rào thép gai của ấp chiến lược, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn đi vào lòng dân rất mạnh mẽ như triều dâng ào ạt, thành những đợt sóng để thực hiện việc giải phóng làng mạc, giải phóng từng vùng đất.
60 năm đã trôi qua, đến nay tập thể những người làm Báo Giải Phóng thời điểm ấy, những người còn sống cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và cũng đều ở tuổi thất thập cổ lai hy. Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, 2 đơn vị là Đài Phát thanh Giải Phóng và Thông tấn xã Giải Phóng đã được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
“Tới lượt kỷ niệm 60 năm của Báo Giải Phóng đương nhiên cần có một hình thức kỷ niệm cho phù hợp, xứng đáng với những đóng góp to lớn của tờ báo - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bởi lẽ, đây là dịp để nhắc nhớ lịch sử”, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ và đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết cần phải có hoạt động để đánh dấu mốc son chói lọi 60 năm Báo Giải Phóng.
Tồn tại trong giai đoạn hơn 10 năm nhưng tinh thần của tờ báo còn lan tỏa không chỉ 60 năm mà mãi sau này vì đã làm được vai trò là người tiên phong để chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, trên mặt trận báo chí để cổ vũ người Việt Nam yêu nước đứng lên đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Với tiếng nói của mình, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần chính thức kiến nghị với Nhà nước có hình thức khen thưởng, ghi nhận đối với một đơn vị Anh hùng để xứng đáng với vị trí vai trò lịch sử của Báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.