Mặt trận

Đổi thay ở bản người Pà Thẻn

TÙNG DUY - XUÂN TRƯỜNG 25/02/2024 09:29

Người Pà Thẻn xứ Tuyên xuân này phấn khởi hơn khi có nhiều nhà mới. Diện mạo khang trang của bản núi từng là nơi khó khăn nhất đổi thay nhờ sự quan tâm của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền và doanh nghiệp.

1-khanh-thanh.jpg
Nhà văn hóa cộng đồng người Pà Thẻn trị giá 3,5 tỷ đồng mới được khánh thành.

"Cứ 10 hộ dân Pà Thẻn ở đây thì có 9 hộ nghèo", ông Phù Đức Lâm - Chủ tịch xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang), nói với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trên con đường bê tông dẫn vào thôn Thượng Minh.

Toàn xã có 143 hộ người Pà Thẻn với gần 700 nhân khẩu, số dân tương đương 1/10 trong cộng đồng dân tộc Pà Thẻn toàn quốc, còn gọi là Pà Hưng, ở vùng Đông Bắc (sống tập trung tại Hà Giang và Tuyên Quang) rất nghèo nhưng bản sắc khá thú vị. Nét tập quán gần với người Dao, thôn Thượng Minh gìn giữ lễ cầu mưa, cúng cơm mới, cúng thần rừng, và nhất là lễ nhảy lửa. Nét huyền bí độc đáo của văn hóa Pà Thẻn mà tới nay vẫn chưa có lời giải.

2-nhay-lua.jpeg
Màn nhảy lửa của những chàng trai người Pà Thẻn tối 22/2/2024.

Huyền bí ngọn lửa

Củi gom từ rừng mấy ngày nay đã chất đống giữa sân bản. Thầy cúng của bản, ông Phù Văn Thành, đã chuẩn bị xong bài kính lễ khẩn mời Thần lửa về ngự để nhập vào những chàng trai khỏe mạnh như Phù Văn Hồng, Sìn Văn Toàn... Tối nay có 8 chàng trai được Thần lửa chọn lựa.

Anh Sìn Văn Toàn, là "nghệ nhân" với hơn chục năm nhảy lửa đẹp nhất bản, được thầy cúng chọn làm người đầu tiên lao vào than lửa. "Vinh dự lắm chứ, mà cứ như thấy có Thần lửa bảo hộ, chúng tôi thực sự đi chân trần chứ không có bảo hộ gì", anh Toàn nói.

Hai thanh niên khỏe mạnh ôm hai đầu cái chày rồi xoay vòng quanh, dường như nó tự nâng lên khỏi mặt đất trong khi hai anh chàng gắng kéo nó xuống. Thầy cúng ngồi gõ đàn gỗ "Pàn dơ" trước bàn thờ có lễ mặn dâng lên tổ tiên. Lễ hội nhảy lửa bắt đầu. Nhạc huyền bí nổi lên, khói lửa cuốn theo lời khấn của thầy cúng khoảng nửa canh giờ. Dường như ánh mắt của Sìn Văn Toàn có chút ngây dại khác lạ. Những hình thể vạm vỡ rung lên, lắc đi lắc lại như bị Thần lửa ứng nhập.

Như thể xuất thần, Sìn Văn Toàn chân trần lao vào đống lửa đỏ rực, những chàng trai kế tiếp cũng lần lượt nhảo vào. Họ còn dùng tay bốc than tung lên tạo muôn vàn chùm hoa lửa đốm lòa rực rỡ. Có người còn bốc than hồng vào miệng rồi phun tỏa thành quầng lửa... Dân bản xung quanh hò reo cổ vũ rất náo nhiệt. Thầy cũng vẫn ngồi đó đọc lời cầu khấn hòa nhịp cho bước chân trai bản. Một cảm giác huyền bí lan khắp sân bản. Những chàng trai như có sức mạnh vô hình, không ai bị bỏng.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức gần Tết Nguyên đán và dịp đầu xuân, diễn ra vào ban đêm, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Ngôi làng thay áo mới

Hơn một năm trước, tại sân vận động thôn Nà Nghè, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã về Hồng Quang trao quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ nhảy lửa" của người Pà Thẻn ở Lâm Bình.

"Vinh dự cho người Pà Thẻn cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Bây giờ nhảy lửa đã được ghi danh là di sản, cả một kế hoạch dài hơi làm du lịch cho Lâm Bình đã được khởi động nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân", ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND Lâm Bình nói với chúng tôi.

Thôn Thượng Minh đường sá đã khang trang, trường học kiên cố, trạm xá cũng mới xây. Cấp ủy, chính quyền và MTTQ bắt tay vào cuộc, hàng loạt dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai.

Anh Trịnh Văn Năm - Chánh văn phòng Huyện ủy Lâm Bình vui vẻ chỉ tay về phía một phụ nữ Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống: “Có cả dự án bảo tồn trang phục truyền thống kia đấy. Xã đã có hợp tác xã dạy nghề thêu dệt thủ công. Chúng tôi nhất định có sản phẩm thêu dệt thổ cẩm truyền thống Pà Thẻn bán cho khách du lịch".

Đặc biệt nhất, lớp học "Thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn" đã khai giảng. Chính những "nghệ nhân" như Sìn Văn Toàn là huấn luyện viên. Ngọn lửa thiêng dường như đã tạo quầng sáng cho con đường sinh trưởng của người Pà Thẻn xứ Tuyên. Và bây giờ bản Pà Thẻn đã có nhiều con cháu đỗ đại học và đi làm ở các công ty dưới thành phố. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay.

Một ngày vui như mở hội cuối năm vừa rồi khi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trực tiếp đến xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình cắt băng khánh thành "Nhà văn hóa cộng đồng người Pà Thẻn". Công trình trị giá 3,5 tỷ đồng cũng là nơi có không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị di sản Pà Thẻn, vừa là địa chỉ giao lưu văn hóa, bồi đắp tình đoàn kết và là điểm nhấn hướng đến một xã núi đang nỗ lực hoàn thành từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngay tại buổi khánh thành đã có 6 hộ gia đình Pà Thẻn trao tặng kỷ vật rất giá trị để trưng bày trong nhà văn hóa. Giờ bản có nhà văn hóa, có sân chơi rộng khang trang sạch sẽ, trẻ em còn được tặng xe đạp mới…

Xuân này bản người Pà Thẻn phấn khởi hẳn lên khi Công ty Xăng dầu Tuyên Quang trao tặng 10 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo Hồng Minh trị giá tới nửa tỷ đồng. Ông Vũ Trọng Trung - Chủ tịch Công ty tâm sự rằng ngay sau lời phát động của MTTQ tỉnh Tuyên Quang, tất cả cán bộ, công nhân viên của Công ty đã hưởng ứng rất nhanh, cùng chung tay góp sức. Hy vọng đó là những ngôi nhà rất ý nghĩa với người Pà Thẻn.

Lê, mận đang nở trắng xứ núi Thượng Minh. Bản người Pà Thẻn hân hoan, xúc động bởi sự quan tâm sẻ chia đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, MTTQ và các doanh nghiệp đã giúp có cuộc sống đổi thay, tươi mới hơn. Từ đống than lửa rực cháy, đã thấy quầng sáng khác ở nơi có tục nhảy lửa huyền bí...

TÙNG DUY - XUÂN TRƯỜNG