Cơ hội sở hữu nhà ở xã hội lớn dần
Giới chuyên gia nhận định, năm nay, việc các dự thảo Luật liên quan đến đất đai, bất động sản được thông qua sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Đáng chú ý, phân khúc nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ bổ sung nguồn cung khá lớn cho thị trường trong năm nay.
Thêm nguồn cung mới
“Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở ra các tỉnh và khu vực lân cận với giá cả hợp lý và quỹ đất lớn hơn” - đó là thông tin được Savills Việt Nam chia sẻ, đồng thời công ty này cũng đánh giá, đây là yếu tố tích cực đối với nguồn cung, khi sản phẩm nhà ở tại các khu vực ngoài trung tâm và các tỉnh lân cận sẽ ngày càng giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô.
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ có hơn 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô hơn 47.500 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành trong năm 2024, dự kiến bổ sung nguồn cung phân khúc này cho thị trường trong năm nay.
Khảo sát của Savills cho thấy, trong năm 2024, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận thêm nguồn cung mới với khoảng 12.100 căn hộ; trong đó, có tới 87% thị phần nằm tại các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Cùng đó, khu vực lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh cũng sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024 đến năm 2026. Năm 2026, phân khúc thấp tầng dự kiến sẽ có 14.000 căn mới từ 37 dự án. Các dự án lớn như Vinhomes Cổ Loa hay Vinhomes Wonder Park sẽ cung cấp thêm nguồn cung thấp tầng mới cho thị trường.
Giới chuyên gia nhận định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai được thông qua kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Đáng chú ý, quy định chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi các sản phẩm hình thành trong tương lai là một trong những nội dung củng cố niềm tin cho người mua.
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, đây là những dữ liệu để có thể tin tưởng, năm 2024 - 2025 và giai đoạn tiếp theo, niềm tin của thị trường sẽ được củng cố vững chắc hơn. Các sản phẩm sẽ được cung cấp từ những chủ đầu tư uy tín và thực sự có năng lực tài chính. Từ đó, thị trường sẽ cân bằng và đa dạng hơn về sản phẩm.
Đáng chú ý, bà Hằng cho hay, phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về giá là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội vẫn ghi nhận thách thức từ việc hạn chế nguồn cung và sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu, đặc biệt là nhà ở bình dân. Cụ thể như quý cuối của năm 2023 là thời điểm thị trường nhà ở tại Hà Nội ghi nhận số lượng nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 10 năm qua ở cả phân khúc thấp tầng và căn hộ.
Theo bà Hằng, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp có ưu điểm về khả năng mua được với nhiều lựa chọn, phù hợp với khả năng chi trả và pháp lý đảm bảo hơn.
Đòn bẩy cho thị trường
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua từ tháng 1/2024 đã bổ sung nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai tách bạch rõ ràng, ổn định tiền thuê đất, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.
Với những quy định mới được bổ sung hoàn chỉnh hơn, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ khơi thông những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai, dẫn dắt ngành Xây dựng, thị trường bất động sản phát triển sau thời gian dài trầm lắng; đồng thời, loại bỏ các "lỗ hổng" còn tồn tại, hướng đến hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để phù hợp với những biến chuyển nhanh chóng của thị trường bất động sản. Đây chính là đòn bẩy để thị trường bất động sản có thể phục hồi rõ ràng hơn trong năm nay.
Và quả thực, ngay từ đầu năm mới 2024, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lãi doanh thu. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2023 tăng 228% so với quý I/2022, lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch đề ra, đạt 33.300 tỷ đồng, tăng 14%. Hay Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng ghi nhận doanh thu quý IV/2023 đạt 502,6 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước; Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đạt doanh thu thuần quý cuối năm 2023 đạt 68 tỷ đồng, tăng thêm 353% so với quý IV/2022...
Theo thống kê dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đến đầu năm 2024, có 35 doanh nghiệp bất động sản xóa nợ trái phiếu do mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, được xác định là phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2024, ngay từ đầu năm, Công ty Cổ phần Vinhomes liên tiếp khởi công 2 dự án nhà ở xã hội Happy Home quy mô hơn 100ha tại TP Hải Phòng và Khánh Hòa, khi hoàn thành sẽ tạo nguồn cung hơn 7.600 căn cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty BIC Việt Nam có kế hoạch xây dựng 2 dự án Rice City Tố Hữu (711 căn), Rice City Long Biên (600 căn); Công ty Newland dự kiến khởi công dự án Tân Phú Hưng, quy mô 1.260 căn…
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ có hơn 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô hơn 47.500 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành trong năm 2024, dự kiến bổ sung nguồn cung phân khúc này cho thị trường trong năm nay.
Gia tăng cơ hội sở hữu
Đánh giá chung về thanh khoản trên thị trường, bà Hằng nêu quan điểm, mặc dù hầu hết chủ đầu tư không thay đổi giá nhưng lượng hàng tồn kho thấp tầng giá vẫn cao khiến giá sơ cấp tăng. Phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng về giá là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng, cơ sở hạ tầng phát triển và chất lượng được cải thiện. Việc hạn chế về nguồn cung trên thị trường vẫn còn tiếp tục, dẫn đến giá bán sơ cấp trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng cao.
Cũng nhìn nhận một bức tranh khá sáng sủa về nguồn cung bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguồn cung căn hộ trong năm 2024 tăng mạnh, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Hải phân tích: Vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương trên cả nước đã đăng ký hoàn thành 108 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 47.500 căn hộ trong năm 2024.
Đánh giá về triển vọng thị trường thời gian tới, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - nhận định, mặt bằng lãi suất đang theo hướng bình ổn trở lại, trong khi đó các yếu tố về chính sách và pháp lý sửa đổi được thông qua, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất sẽ giúp thị trường phục hồi trong năm 2024.