Giao thông

Có nên trừ điểm giấy phép lái xe?

H.Vũ 26/02/2024 07:12

Theo Bộ Công an, trừ điểm giấy phép lái xe sẽ tác động tới hành vi và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

anhbaitren.jpg
Cảnh sát giao thông lập biên bản một vụ vi phạm. Ảnh: V.Dũng.

Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội liên quan dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Theo Bộ Công an, dự luật trình Quốc hội không quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu, cơ quan soạn thảo đã phân tích, đánh giá và nhận thấy việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự luật là cần thiết.

Theo Bộ Công an, hiện, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Tai nạn giao thông (TNGT) tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao và vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người vẫn còn nhiều, nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Bên cạnh đó việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.

Trừ điểm giấy phép lái xe sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm. Việc trừ điểm bằng lái xe sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...

Dự kiến mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm/năm. Mức trừ điểm cụ thể mỗi lần vi phạm sẽ được quy định cụ thể. Trường hợp giấy phép lái xe còn điểm sau một năm từ lần trừ điểm gần nhất, lái xe sẽ được phục hồi số điểm ban đầu. Trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe coi như không còn hiệu lực.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng bày tỏ đồng tình. Ông Vinh cho rằng, đây là một hình thức tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Theo đó người tham gia giao thông phải có ý thức, nếu không sẽ bị trừ hết điểm và giấy phép lái xe không còn hiệu lực, phải học và thi lại giấy phép lái xe. Nếu còn điểm sau một năm thì được phục hồi số điểm ban đầu là hợp lý. Tuy nhiên cần quy định rõ, hoặc thí điểm về mức điểm bị trừ đối với mỗi lỗi vi phạm như đè vạch, vượt đèn đỏ, trái làn.

“Phải có từng mức độ, lỗi nhỏ thì bị trừ điểm ít, lỗi lớn thì trừ điểm cao hơn. Trong một năm cộng các lỗi bị trừ lại mà quá 12 điểm thì lúc đó giấy phép lái xe không có hiệu lực, và buộc phải đi học lại, sau đó thi lại giấp phép lái xe. Việc quy định rõ từng số điểm bị trừ trong mỗi lỗi vi phạm còn thể hiện sự công bằng đối với mỗi người trong tham gia giao thông, lỗi nhẹ bị trừ ít điểm, lỗi nặng bị trừ nhiều điểm, và vượt quá số điểm bị trừ thì phải đi học lại” - ông Vinh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội cho biết: Các nước trên thế giới đều áp dụng quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Theo ông Huân, đây là hình thức tiên tiến, văn minh nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông. Biện pháp này có nhiều tác dụng hơn việc xử phạt và đảm bảo công bằng. Ví dụ như người giàu, có thu nhập cao nếu chỉ xử phạt hành chính thì họ không ngại, sẵn sàng bỏ tiền ra để nộp phạt. Nhưng nếu bị trừ điểm giấy phép lái xe khi hết điểm thì sẽ không được lái xe, phải đi học và thi lại. Điều đó mới làm người giàu e ngại.

Tuy nhiên để khách quan, chính xác, ông Huân kiến nghị nên ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình xử lý để tránh việc chạy chọt, xin xỏ.

Ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng, cần nghiên cứu kỹ vấn đề trên. Bởi không nên tạo ra quá nhiều áp lực đối với người lái xe. Khi người dân tham gia giao thông mà vi phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xử lý. Nếu đã xử phạt xong rồi còn bị trừ điểm giấp phép lái xe, nghĩa là bị “tích” thêm lỗi vi phạm.

“Ngay cả khi người tham gia giao thông vi phạm, nếu lỗi nhẹ thì cảnh sát giao thông có thể nhắc nhở để cho người dân hiểu luật, nhận ra lỗi của mình, thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Còn nếu vi phạm đến mức phải xử phạt thì lỗi nhẹ xử phạt nhẹ, lỗi nặng xử phạt nặng, chứ không phải lúc nào cũng xử phạt. Do đó cần xem xét vấn đề trừ điểm giấy phép lái xe. Đồng thời, trong điều kiện hiện nay cần tăng cường xử phạt thông qua các phương tiện, công cụ giám sát bằng ứng dụng công nghệ qua hệ thống camera, hình ảnh. Đây là cách xử phạt khách quan, không tiêu cực, buộc người dân phải có ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, đó mới là cái quan trọng” - ông Xuyền bày tỏ.

Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết, hiện Ủy ban đang nghiên cứu, lấy ý kiến, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sau đó tổng hợp lại trong quá trình thẩm tra.

H.Vũ