Quốc tế

Thấy gì ở 'năm siêu bầu cử'?

Thanh Đức 26/02/2024 07:14

Indonesia - quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đã kết thúc cuộc bầu cử vào ngày 15/2, mở đầu cho năm 2024 được coi là “năm siêu bầu cử” của thế giới.

bai-chinh.jpg
Điểm bầu cử số 001 (Selong, Kebayoran Baru, Nam Jakarta, Indonesia). Ảnh: Straits Times.

Cuộc bầu cử tại Indonesia với 205 triệu cử tri đủ điều kiện chỉ diễn ra trong một vòng bỏ phiếu duy nhất không quá 6 giờ. Ông Prabowo Subianto (72 tuổi) - đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã giành được gần 60% số phiếu bầu. Ủy ban Bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) sẽ công bố kết quả chính thức vào ngày 20/3 tới.

Nếu kết quả bầu cử được xác nhận thì tháng 10/2024, ông Subianto sẽ tiếp quản vị trí Tổng thống từ ông Joko Widodo.

Bên cạnh bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, người dân Indonesia cũng bầu các nhà lập pháp cho Quốc hội lưỡng viện, còn gọi là Hội đồng Hiệp thương nhân dân, cũng như các thành viên của các cơ quan lập pháp cấp tỉnh. Cuộc bầu cử đã chứng kiến gần 259.000 ứng cử viên cạnh tranh để giành 20.600 vị trí trên khắp đảo quốc này.

"2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử" là nhan đề của bài viết trên tạp chí The Economist; và "2024 - năm siêu bầu cử" là nhan đề của bài phân tích trên Statista. Còn Tạp chí Foreign Policy có bài "Năm thế giới đi bầu cử".

Theo đó, hơn 2 tỷ người ở khoảng 50 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu sẽ tham gia các cuộc bầu cử trong năm 2024 - năm có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay.

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/3/2024. Các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành gần đây cho thấy ông Putin vẫn nhận được sử ủng hộ rất lớn của các cử tri Nga trong cuộc bầu cử năm nay.

Trong khi đó, sức nóng của cuộc đua vào Nhà Trắng của nước Mỹ đang tăng nhiệt, khi cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ để xác định ứng cử viên đại diện cho đảng của mình tham gia tranh cử. Ở thời điểm hiện tại, kết quả đang cho thấy rất có thể sẽ là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.

Phía đảng Dân chủ, ngày 7/2, ông Joe Biden đã dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nevada khi nhận được 91% số phiếu ủng hộ. Trước đó, ngày 3/2, ông cũng đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina với 96% số phiếu ủng hộ.

Trong khi đó, ông Donal Trump cũng giành chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại một số bang. Tới thời điểm này, đối thủ duy nhất của đảng Cộng hòa đối đầu trên đường đua với ông Trump chỉ còn bà Nikki Haley, với khoảng cách khá xa.

Hiện các cuộc thăm dò đều đang nghiêng về kịch bản một cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Theo ông Adam Coons - nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng Winthop Capital, nếu cuộc tái đấu giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump diễn ra thì đây sẽ là một cuộc tranh đua gay cấn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, cục diện sẽ rõ ràng hơn vào ngày 5/3/2024 - ngày được gọi là "siêu thứ Ba" khi 15 bang đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ.

Còn tại châu Âu, tháng 6 tới, hơn 400 triệu cử tri tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra một Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ mới 5 năm. Ngay từ đầu tháng 2/2024, các đảng châu Âu đã bắt đầu tranh cử, với 2 đề tài chính là nhập cư và lạm phát - 2 vấn đề đang được cử tri EU quan tâm nhất.

Nghị viện châu Âu là trụ cột của hệ thống lập pháp của EU. Các đạo luật được thông qua tại đây có giá trị tại tất cả các nước thành viên EU. Giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng, đây sẽ là cuộc bầu cử khó lường khi mà xu hướng cực hữu dân tộc chủ nghĩa mạnh lên trên chính trường châu Âu và hơi nóng vẫn tiếp tục phả ra từ xung đột Nga - Ukraine cũng như từ khu vực Trung Đông.

Cũng không thể không nói tới “năm siêu bầu cử” 2024 khi vào ngày 29/5 tới Nam Phi sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử, sau đó Quốc hội mới sẽ bầu chọn Tổng thống để thành lập chính phủ tiếp theo. Cuộc tổng tuyển cử lần này được đánh giá nhiều khả năng mang tính lịch sử, khi mà trong 30 năm qua đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền.

Còn tại Mexico, ngày 2/6 mới tổng tuyển cử nhưng ngay từ 18/2, hàng triệu người đã xuống đường tuần hành tại hơn 100 thành phố lớn của đất nước này, kêu gọi đảm bảo cuộc bỏ phiếu được tiến hành một cách công bằng và minh bạch. Cuộc tổng tuyển cử lần này ở Mexico sẽ bầu ra tân Tổng thống, 500 thành viên Hạ viện và 128 thành viên Thượng viện. Hơn 170.000 hòm phiếu sẽ được lắp đặt trên toàn bộ 32 bang cả nước.

Bên cạnh sự quan trọng của các cuộc bầu cử trên thế giới năm nay, giới quan sát cũng cảnh báo những nguy cơ tác động tới bầu cử. Trong đó, trí tuệ nhận tạo (AI) là mối đe dọa mới. Năm 2024 được dự báo sẽ là "cuộc bầu cử AI" khi mà rất có thể nó sẽ tác động hơn nhiều so với "cuộc bầu cử Facebook" - nơi mạng xã hội là nhân tố mới tác động tới cử tri của 10 năm trước đây. Nghị sĩ Henry Johnson - Tiểu ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ về Tòa án, Sở hữu trí tuệ và Xếp hạng Internet cho rằng, năm 2024 sẽ là năm của các cuộc bầu cử AI; khi mà những thông tin giả mạo và thông tin sai lệch có khả năng đánh lừa cử tri, khiến các cuộc bầu cử có kết quả bất thường và gây nhiều tranh cãi hơn.

Thanh Đức