Tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn, cuốn hút
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 1,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt). Tuy nhiên, so với năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) thì cũng chỉ tương đương 69%.
Ông Phạm Văn Thủy - Cục phó Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, mục tiêu của năm 2024 là đón lượng khách quốc tế phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19. Ông Thủy cũng cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, có cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra. Năm nay cũng sẽ tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các doanh nghiệp (DN), các địa phương trong nước để tạo ra các sản phẩm chất lượng có thể đem đi xúc tiến, quảng bá.
Nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải có sự vào cuộc của tất các các ngành và có sự liên kết, thống nhất của các cơ quan, các địa phương, ông Thủy cho rằng, nếu các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương, các DN du lịch, cùng với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia nỗ lực để tạo dựng được hình ảnh du lịch Việt Nam hấp dẫn thì mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 là khả thi.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, để đạt được mục tiêu thì các địa phương cần chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú; sự mạnh dạn của các công ty du lịch và sự kết nối giữa các DN với nhau cho ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đánh giá về mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2024, nhiều ý kiến cũng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được con số 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá "an toàn", nếu so với du lịch nước láng giềng Thái Lan: mục tiêu năm 2024 đón 35 triệu du khách quốc tế.
Trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho rằng muốn đón khách nước ngoài phải xóa bỏ tâm lý về 7 nỗi sợ khi đến Việt Nam mà du khách quốc tế vẫn truyền tai nhau gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Cần quản lý tốt các điểm đến bền vững, xanh - sạch - đẹp, không có rác và nước thải bẩn.
Ông Hà đề xuất, để du khách thấy vui và hài lòng, du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới: "Khu mua sắm, đồ lưu niệm phải đẹp, có nhiều không gian cho khách tham quan, khu vui chơi giải trí được mở muộn, thí điểm một số casino có kiểm soát tốt. Nhiều người đến Việt Nam cảm thấy có tiền nhưng không có gì để chi tiêu, thậm chí, có những chuyến đi nhàm chán tới nỗi chỉ đơn giản đi từ phòng ngủ ra thẳng máy bay. Phải phục vụ tốt du khách đã đến, họ sẽ hết các nỗi sợ như hiện tại. Khách hài lòng, họ sẽ trở lại và giới thiệu nhiều du khách đến Việt Nam" - ông Hà nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, ông Hà từng cho rằng mặc dù ngành du lịch có tỷ suất lợi nhuận tối đa khoảng 20% nhưng đây là một “ngành hạnh phúc”. Theo ông Hà, về cơ bản, DN phải phải tạo ra được giá trị cho người tiêu dùng, mình thích mình yêu rồi mình mới bán cho khách hàng, mình làm cái mình thích và thích cái mình làm thì mới tạo ra hạnh phúc. Thương hiệu có tồn tại hay không phải tạo ra giá trị cốt lõi như vậy, đặt khách hàng là trung tâm.
Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về chất lượng dịch vụ cũng như nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Việt Nam cần từ 12.000 - 15.000 lao động du lịch có trình độ, trong khi lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 4.000 người, tức là khoảng 1/3 nhu cầu của ngành. Về dài hạn, phải đầu tư ngay cho đào tạo du lịch, vì sự đầu tư này sẽ không có tác dụng ngay lập tức mà cần từ 10 - 15 năm.
Trở lại với ý kiến của Chủ tịch Lux Group, ông Hà cho rằng, Việt Nam hoàn toàn tự hào là điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Khách nước ngoài rất quan tâm đến các tour văn hóa và trải nghiệm văn hóa, phong tục truyền thống, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc tại Việt Nam. Nếu kết hợp, đưa vào sản phẩm du lịch sẽ rất hút khách.
Ông Hà cũng cho rằng chúng ta chưa đưa được tài nguyên văn hóa trở thành những sản phẩm hay công nghiệp văn hóa như các nước đã làm. Lấy ví dụ từ Hàn Quốc, họ đã rất thành công khi biến văn hóa thành một ngành công nghiệp triệu đô, lớn hơn cả nhiều nhà máy, công xưởng, lại góp phần quảng bá văn hóa ra thế giới.