Sau Tết, lao động ‘nhảy việc’ giảm
Ghi nhận tại các doanh nghiệp (DN), số lao động "nhảy việc" sau Tết giảm. Các DN cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng ngay từ đầu năm để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong năm 2024.
Thị trường lao động khởi sắc
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Giáp Thìn của các DN cao hơn nhiều so với các năm trước; tình trạng công nhân nhảy việc giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, phản ánh chính sách đãi ngộ của DN đã khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường lao động đã có sự khởi sắc khi mà nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực gia tăng. Chỉ tính riêng phiên giao dịch việc làm vệ tinh kết nối 9 tỉnh phía Bắc đã có gần 50.000 vị trí việc làm ở mọi lĩnh vực và ngành nghề. Đáng chú ý, theo ông Thành, tỷ lệ lao động “nhảy việc” giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, số DN và người lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt trên 90%. Trước đây, sau Tết là khoảng thời gian khó khăn của nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp vì thiếu lao động. Nhiều người lao động sau khi về quê nghỉ Tết thì ở lại địa phương để tìm kiếm công việc mới, hoặc chuyển sang đơn vị khác nhưng năm nay, số này đã giảm. Nhìn chung, tâm lý của người lao động khi đến tham gia các phiên giao dịch việc làm đầu năm đều rất mong muốn sớm tìm được những vị trí việc làm phù hợp.
“Thị trường lao động đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn, chính vì vậy khi người lao động quyết định nhảy việc thì cũng hết sức lưu ý” - ông Thành nói.
Theo khảo sát của Sở LĐTBXH TPHCM, đến ngày 19/2, tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt trên 97%. Tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, tập trung tại các DN dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính... Tuy nhiên, tới nay nhiều DN đã có đơn hàng, một số lên kế hoạch sản xuất đến giữa năm giúp lao động an tâm trở lại.
Nỗ lực
giữ chân người lao động
Ở góc độ đơn vị tuyển dụng, bà Vũ Thị Thùy - chuyên viên tuyển dụng của Viettel Post Hà Nội cho biết, ghi nhận của đơn vị này sau Tết năm nay không có biến động nhiều về mặt nhân sự. Một số lao động nghỉ việc do muốn tìm kiếm môi trường làm việc mới thích hợp hơn.
“Đa phần số nhân sự nghỉ việc vì trước Tết họ đã có những định hướng riêng” - bà Thùy nói và cho biết, hiện đơn vị đang đẩy mạnh tuyển dụng ở nhiều vị trí vì có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2024, chứ không hoàn toàn để bù đắp cho số đã nghỉ việc.
Theo bà Thùy, năm nay đã ghi nhận những sự thay đổi từ tuần đi làm đầu tiên sau Tết, nhiều lao động đã có tâm lý xin việc luôn, tích cực gửi hồ sơ, tìm hiểu thông tin công việc trên các hội nhóm cộng đồng…
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Bộ phận tuyển dụng và đào tạo, Công ty cổ phần Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT cũng cho biết, tình trạng người lao động "nhảy việc", luân chuyển sang các DN khác của đơn vị này năm nay rất ít, sự thay đổi nhân sự so với cuối năm 2023 chỉ khoảng 5%, trong khi so với cùng kỳ năm trước từ 15 – 20%.
Nói về lý do số lao động “nhảy việc” sau Tết giảm, bà Lan cho rằng, hiện nay mỗi DN đều chú trọng đến môi trường làm việc và đảm bảo mọi quyền lợi đối với người lao động. Đặc biệt, tính an toàn lao động đối với tất cả người lao động cũng ngày càng được ưu tiên.
“Môi trường làm việc, điều kiện an toàn và mức thu nhập là 3 yếu tố đang được DN tiến tới ổn định và nâng cao hơn. Điều này cũng là một trong những yếu tố giữ chân người lao động tại các DN” - bà Lan cho hay.
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố đơn hàng ổn định, các chính sách phúc lợi đóng vai trò quan trọng để giữ công nhân. Trong khi đó, hiện nay tiền lương giữa các DN cùng ngành không còn chênh lệch lớn. Nhiều công ty có chính sách chăm lo, khuyến khích người làm việc lâu năm nên công nhân gắn bó.
Các DN xác định, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống người lao động là thước đo để đánh giá sự tăng trưởng bền vững cũng như hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng. Chính yếu tố này đã giữ chân người lao động bởi đa phần người lao động đều có nhu cầu có việc làm ổn định cũng như được đóng chính sách bảo hiểm xã hội liên tục không bị đứt đoạn.
Khanh Lê
Thực tế, trong suốt thời gian qua, hầu hết các DN đã trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, đơn hàng ít và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, song nhiều DN vẫn cố gồng gánh, đảm bảo thu nhập, việc làm cho lao động. Đặc biệt, nhiều DN có chính sách khuyến khích người làm việc lâu năm nên công nhân yên tâm gắn bó.