Đất quy hoạch cho Đại học Thái Nguyên có thể bị điều chỉnh sang dự án khả thi hơn?
UBND thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả quy hoạch các dự án sử dụng đất trên địa bàn, qua đó có thể hủy bỏ quy hoạch dự án không khả thi, hoặc có điều chỉnh phù hợp hơn.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh tại bài viết “Dự án của Đại học Thái Nguyên chậm triển khai, người dân thấp thỏm lo âu” liên quan tới việc quy hoạch Dự án xây dựng Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên). Đây là dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay đã 13 năm vẫn chưa triển khai thực hiện.
Đó cũng là lý do khiến cho gần 20ha “đất vàng” nằm cạnh đường Bắc Sơn thuộc địa phận giáp ranh 2 phường Tân Thịnh và Quang Trung trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại um tùm, đồng nghĩa là khu đất có giá trị lên lên tới hàng trăm tỷ đồng nằm bất động, bỏ hoang phí. Chính vì không được xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đã khiến cho hàng trăm hộ dân có đất nằm trong khu vực quy hoạch “treo” có cuộc sống khó khăn, ăn ở tạm bợ trên chính mảnh đất của mình.
Theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 do UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành tại Quyết định 46/2019/QĐ-UBND, đất mặt đường Bắc Sơn đoạn nối từ đường Z115 tới đường Việt Bắc được định giá là 10 triệu đồng/m2; Còn giao dịch thực tế của người dân trên thị trường không thấp hơn 35 triệu đồng/m2 đất bám mặt đường, và hơn 18 triệu/m2 đất lô 2, 3 của đoạn đường này. Vì vậy, đất quy hoạch “treo” gần 200.000m2 sẽ có giá trị là rất lớn.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với UBND thành phố Thái Nguyên để làm rõ hướng xử lý việc quy hoạch “treo” nói trên. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tuệ thông tin: Vào ngày 20/12/2023 thành phố đã buổi làm việc với Đại học Thái Nguyên liên quan tới thực hiện Dự án xây dựng Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên cơ sở 2 và lộ trình triển khai. Nhưng Đại học Thái Nguyên phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên việc thực hiện dự án gặp khó khăn.
Cũng theo ông Tuệ, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên theo Công văn số 26 (ngày 4/1/2024) và Công văn số 284 (ngày 18/1/2024), UBND TP Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn bộ các quy hoạch sử dụng đất, trong đó có việc quy hoạch sử dụng đất của các trường đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên. Đây là việc làm nhằm loại bỏ các quy hoạch treo, quy hoạch không còn phù hợp, tác xấu đến sự phát triển chung của thành phố và ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Công văn số 26 (ngày 4/1/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố rà soát đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng…
Công văn số 284 (ngày 18/1/2024) về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP Thái Nguyên khẳng định, Đại học Thái Nguyên được chấp thuận Quy hoạch thực hiện Dự án xây dựng Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên cơ sở 2 đến nay đã 13 năm, Chủ đầu tư vẫn chưa lập được quy hoạch chi tiết, chưa lập dự án, thủ tục giao đất, thuê đất và giải phóng mặt bằng, tức chưa làm được gì hơn. Vướng quy hoạch, nên những năm vừa qua TP Thái Nguyên chỉ có thể cấp giấy phép xây dựng tạm thời cho những người dân sở tại để có chỗ ở, khu vực đất đai rộng lớn (gần 20ha) trong tình trạng bỏ hoang, không có canh tác, sản xuất nào khác.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay Phòng Quản lý đô thị TP Thái Nguyên đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các phường, xã trên địa bàn, cùng các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát các quy hoạch dự án sử dụng đất, bao gồm các quy hoạch sử dụng đất của Đại học Thái Nguyên. Nếu thấy các quy hoạch không còn phù hợp, ảnh hưởng xấu tới môi trường, mỹ quan đô thị… thì sẽ có phương án điều chỉnh quy hoạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Căn cứ theo Luật Quy hoạch Đô thị và Luật xây dựng, với các dự án có quy hoạch chung là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm mà không khả thi, không triển khai thì có thể xem xét hủy bỏ quy hoạch để đảm bảo đời sống người dân.