Tinh hoa Việt

Họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: Thiết kế mẫu mã cần đổi mới, phù hợp với thời cuộc

HÀ THƯ 30/12/2023 07:36

Với xưởng sản xuất và không gian trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm và bán sản phẩm tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra hàng trăm mẫu sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo, khai thác vật liệu bản địa như gỗ mít, đá ong, sơn mài…

bai-nho.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát với một số sản phẩm nghệ thuật được làm thủ công.

Các mẫu quà tặng của anh được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đồng thời được mời tham gia các hội chợ, lễ hội du lịch… Một số tác phẩm của anh được trao giải thưởng trong một số cuộc thi. Xung quanh câu chuyện về phát triển quà tặng du lịch, anh chia sẻ:

Bản thân là một nghệ sĩ, một nghệ nhân có nhiều năm sáng tác các mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ cho Thủ đô Hà Nội, tôi thấy những mẫu mã quà tặng cho du lịch Hà Nội hiện vẫn còn rất thiếu và yếu. Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc…

Tuy nhiên, quà tặng du lịch chưa thật sự được chú ý để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch khác nhau. Xét về mẫu mã, thì khá lộn xộn, mạnh ai nấy làm; thiếu tính hệ thống và thiếu định hướng cho từng điểm đến.

Ở góc độ sáng tác mẫu mã thì tôi cũng thành thật nói rằng, chưa có nhiều sự sáng tạo, chưa tạo được điểm nhấn riêng cho Thủ đô Hà Nội. Ở đây, ngoài vai trò của các nghệ nhân, họa sĩ như chúng tôi thì cũng cần có sự định hướng của các chuyên gia, thậm chí của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Gần đây Hà Nội mở thêm những tour du lịch đêm, nhưng mới chỉ thấy chú trọng đến các chương trình mang tính trình diễn để du khách xem, tìm hiểu hay trải nghiệm mà chưa chú ý đến tạo ra các sản phẩm quà tặng du lịch đêm phục vụ du khách.

Do vậy, cần triển khai các mẫu mã quà tặng sao cho phù hợp với điểm đến, phù hợp với cuộc sống đêm, không chỉ là những món quà tặng thông thường.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự đặc trưng trong quà tặng đêm, bởi cần nghiên cứu để tạo ra những món quà tặng mà chỉ nhờ có ánh sáng đêm mới độc đáo, khác biệt… Tôi nghĩ, ngành du lịch cũng như mỗi làng nghề, thậm chí mỗi nghệ nhân cũng cần có suy nghĩ để tạo ra những sản phẩm quà tặng du lịch đêm cho Thủ đô Hà Nội.

Theo tôi, các mẫu mã quà tặng du lịch, ngoài tính đặc trưng vùng miền, ví dụ nhận diện qua các di sản như Khuê Văn Các, Tháp Rùa, chùa Một Cột… thì thiết kế cũng cần thay đổi theo xu hướng thời cuộc. Tôi lấy ví dụ, thời trước, cũng là những di sản này nhưng thiết kế theo lối nệ thực hơn. Ngày nay, khi đời sống hiện đại hơn thì thiết kế cũng phải đa dạng để khi du khách mua về hoặc tặng bạn bè thì mọi người cũng có thể bày biện phù hợp với không gian nội thất hiện nay.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới mẫu mã, bao bì sản phẩm. Ví dụ vòng đời một sản phẩm quà tặng có thể kéo dài 3-5 năm, nhưng mẫu mã thì cần thay đổi nhanh hơn, rút ngắn thay đổi “chiếc áo” chỉ trong 1 năm để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn du khách mua sắm. Thậm chí, 1 sản phẩm nhưng cũng có thể có những loại bao gói khác nhau phục vụ những đối tượng du khách khác nhau.

Cũng có một thực tế, nhiều làng nghề mới chỉ chú ý tới làm ra sản phẩm mà bỏ qua việc thiết kế mẫu mã bao bì, thậm chí không chú ý tới việc bao gói sản phẩm. Quan sát thực tế tôi thấy nhiều du khách nước ngoài dù rất thích sản phẩm đó nhưng lại không mua làm quà tặng vì sản phẩm không được bao gói cẩn thận.

Ngoài ra, để sản phẩm quà tặng tại các làng nghề và cơ sở sản xuất tư nhân đến tay du khách nhiều hơn, thì khâu quảng bá và sự kết nối với các điểm du lịch cũng cần thúc đẩy, kết nối một cách bản bản, chuyên nghiệp hơn.

HÀ THƯ