Giáo dục

Giáo viên được chủ động lựa chọn sách giáo khoa lớp 9

Vi Cầm 27/02/2024 08:03

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 9, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho hàng ngàn giáo viên toàn thành phố.

anhbaitren.jpg
Giới thiệu SGK mới tại Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Mạnh Dũng.

Năm học 2024 - 2025 sắp tới là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 học theo sách giáo khoa (SGK) mới, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, từ điểm cầu của Sở GDĐT Hà Nội tới hơn 120 điểm cầu của các nhà xuất bản (NXB), chương trình này đã thu hút 25.000 giáo viên tham dự.

Hiện tại, học sinh lớp 9 trên cả nước đang học SGK thuộc Chương trình GDPT 2006. Bộ GDĐT mới đây đã phê duyệt danh mục SGK lớp 9 gồm 48 đầu sách, được biên soạn theo Chương trình GDPT 2018, làm căn cứ để các nhà trường lựa chọn, đưa vào giảng dạy tại đơn vị mình từ năm học 2024 - 2025. Việc tổ chức giới thiệu sách nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 9 tại các trường học của TP Hà Nội hiểu rõ hơn về quan điểm biên soạn, nội dung kiến thức, phương pháp trong từng bản sách, bộ sách của các môn học.

Ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội lưu ý những nội dung, nguyên tắc cơ bản trong việc lựa chọn SGK lớp 9. Trong đó, lưu ý điểm mới được áp dụng từ năm học 2024 - 2025 là các nhà trường lựa chọn SGK theo Thông tư số 27/2023 do Bộ GDĐT vừa ban hành. Theo đó, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các SGK trong danh mục SGK do Bộ GDĐT phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Sở GDĐT Hà Nội đề nghị, các nhà trường tổ chức lựa chọn SGK đúng quy định và bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của nhà trường.

Trước đó, cuối năm 2023 Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 27 quy định về việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT thay thế Thông tư 25 áp dụng từ tháng 10/ 2020 đến nay. Thông tư số 27 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2. Đáng lưu ý, điểm khác biệt lớn nhất của thông tư mới này là quyền quyết định chọn SGK được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.

Cụ thể, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn SGK. Thông tư 27 cũng quy định, mỗi cơ sở giáo dục thành lập một hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Đa phần giáo viên đều ủng hộ chủ trương trao quyền lựa chọn SGK về cho các nhà trường, cũng như sự tham gia của chính giáo viên trong quá trình lựa chọn sách. Cô Phương Hà - giáo viên Trường THCS Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay, Thông tư mới về chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018 đã giúp cởi bỏ những băn khoăn suốt 3 năm nay của các nhà trường, giáo viên trong việc chọn lựa SGK; trao sự chủ động nhiều hơn cho mỗi nhà trường về thực hiện chương trình…Trước đó, áp dụng theo Thông tư 25, việc chọn SGK mặc dù vẫn thông qua đội ngũ giáo viên nhà trường trực tiếp nghiên cứu, đề xuất dựa trên đặc thù đối tượng học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, việc SGK môn học đó có được sử dụng giảng dạy trong nhà trường hay không thì lại không do giáo viên nhà trường quyết định mà phụ thuộc nhiều vào hội đồng chọn SGK của thành phố. Điều này phần nào dẫn đến băn khoăn của giáo viên khi có thể SGK mình chọn nhưng lại không được sử dụng trong năm học…

Như vậy, với thông tư mới hiện nay, quyền lựa chọn, quyết định SGK sử dụng trong năm học thuộc về giáo viên, tổ chuyên môn, tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên khi giảng dạy. Điều này là phù hợp, song đòi hỏi từng giáo viên phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chọn sách.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, quy định mới sẽ khắc phục được những nhược điểm trong lựa chọn SGK hiện hành. Trong đó, điểm mấu chốt nhất là tiếng nói của các nhà trường, của giáo viên được tôn trọng và đóng vai trò quyết định. Đồng thời đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách của các nhà trường.

Năm học 2024 - 2025 là năm học thứ tư triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS, nhưng là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới với học sinh lớp 9.

Vi Cầm