Nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), ngày 20/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã thăm và làm việc với Bộ Y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của con người và xã hội. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang, vẻ vang. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Y tế nghiên cứu, đề xuất chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương; có giải pháp khả thi thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi.
Năm thành công của Y tế Việt Nam
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, có hiệu quả. Nổi bật là hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).
Trước đó, ngày 2/2, tại buổi gặp mặt báo chí hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2024 dự báo là một năm tiếp tục phục hồi với nhiều khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Ngành Y tế vẫn sẽ phải đối mặt với các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghệ hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống...
Năm 2023 được coi là năm thành công của ngành Y tế trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống người dân, của cộng đồng. Trước hết, đó là việc ngăn chặn hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm từ bên ngoài vào trong nước, không để dịch bùng phát, không để xảy ra dịch chồng dịch. Các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…); các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…), biến thể mới JN.1 của virus SARS-CoV2 gây bệnh Covid-19...
Tình trạng quá tải bệnh viện dần được khắc phục. Thái độ phục vụ bệnh nhân trong hệ thống bệnh viện công đã nhận được nhiều đánh giá giá tích cực từ phía người bệnh; công tác quản lý chất lượng bệnh viện tiếp tục có bước chuyển biến.
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, ngày 9/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tiếp tục phát huy thành tựu đạt được năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Y tế cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở. Đồng thời, tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đặc biệt cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương.
Năm 2024 phải là năm bứt phá của ngành Y tế.
Phó Thủ tướng trân trọng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ngành Y tế: "Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như là mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu". Phó Thủ tướng cũng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về các phương diện trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42, ngày 21/11/2023, đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam, trong năm 2024.
Cải cách tiền lương là giải pháp căn cơ đảm bảo nhân lực y tế
Một trong những công tác nổi bật của ngành Y tế trong năm 2024 chính là việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn đầu mối, cải cách chế độ tiền lương, phát triển nhân lực của ngành Y tế.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cải cách tiền lương đối với viên chức, người lao động, trong đó có cán bộ y tế là một vấn đề rất quan trọng và cần phải sớm được ban hành để giúp đỡ phần nào cho những khó khăn của cán bộ y tế.
“Cán bộ y tế làm việc trong môi trường hết sức đặc thù, đặc biệt. Ngoài công việc thông thường như những viên chức và người lao động trong môi trường lao động khác, thì các cán bộ y tế, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát hoặc khi xảy ra hỏa hoạn, thiên tai bất ngờ, luôn luôn là lực lực lượng tuyến đầu, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Với môi trường như vậy, việc quan tâm đến chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế là cần thiết và luôn được Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm” - bà Hà nói và nhấn mạnh, đối với ngành Y tế, nếu không có nhân lực tốt thì sẽ không phát huy được hiệu quả trong đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Bộ phận rất quan trọng trong nguồn nhân lực của ngành Y tế chính là tuyến y tế cơ sở. Năm 2022 và nửa đầu năm 2023 nhiều cán bộ y tế cơ sở đã nghỉ việc, ra khỏi ngành, nguyên nhân chính là áp lực công việc nặng nề trong khi tiền lương thấp. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để tăng cường năng lực tuyến Y tế cơ sở thì cũng phải có những chế độ đãi ngộ lần đầu tiên thu hút. Từ đó đảm bảo các cán bộ y tế, trong đó có bác sĩ, tự nguyện và sẵn sàng tham gia công tác tại cơ sở.
Thực tế cho thấy, hệ thống bệnh viện công có vai trò rất quan trọng. Quy định của Luật Khám chữa bệnh công bằng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Người dân có thể được phục vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, các cơ sở y tế công lập còn có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phục vụ những người già, những người yếu thế, trẻ em và người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa không đủ điều kiện kinh tế để có thể tham gia sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế tư nhân.
Đó cũng chính là ưu việt của chế độ. Muốn vậy, trước hết phải quan tâm đến chế độ, chính sách dành cho cán bộ y tế ở các tuyến cơ sở y tế công lập. Nói như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhị Hà thì cải cách tiền lương và có những chế độ đổi mới cơ chế tài chính là những giải pháp rất căn cơ để đảm bảo nhân lực y tế cơ sở y tế.
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27/2), xin được bày tỏ sự tri ân đến đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế. Bởi họ chính là những “chiến sĩ áo trắng” hết lòng chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Những cống hiến lớn lao của họ cần phải được đền đáp xứng đáng.
Ngay tại thời điểm đầu năm 2024, tin vui lớn đến với ngành Y. Đó là 8 cuộc đời được hồi sinh từ nguồn tạng của 2 người qua đời hiến tặng. TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong 2 ngày (3-4/1), các y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ và ghép tạng cho 8 trường hợp. 2 cuộc đại phẫu tiến hành liên tiếp trong vòng 24 giờ vào 20h40 ngày 3/1/2024 và 9h30 ngày 4/1/2024.
Tạng và mô hiến của 2 bệnh nhân bao gồm: 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân. Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận tạng cũng được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Từ tạng hiến của 2 người đã hồi sinh sự sống cho 8 người. Trong đó, có 2 bệnh nhận được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.