Kinh tế

Dòng tiền lớn chảy vào kênh chứng khoán

H.Hương 27/02/2024 08:23

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 26/2 tăng điểm mạnh sau khi xuất hiện áp lực bán đột biến vào cuối tuần qua. Đáng chú ý, thị trường đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như hút dòng tiền lớn.

anhbaitren(2).jpg
Nhà đầu tư sẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn trong quý I và cả năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Tín hiệu tích cực

Từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, thanh khoản bình quân được đẩy lên đạt hơn 21.000 tỷ đồng/phiên trong 5 phiên đầu Xuân Giáp Thìn, trong đó phiên ngày 19/2 cán mốc 1 tỷ USD.

Trong phiên giao dịch ngày 26/2, tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn do cú mất điểm vào cuối tuần trước (ngày 24/2) khiến sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Nhưng sau khoảng 90 phút giao dịch, nhờ động lực dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng với trụ đỡ chính là bộ 3 gồm BID, VCB và TCB đã giúp VN-Index khởi sắc và giao dịch quanh vùng giá 1.220 điểm.

Đáng chú ý, trong phiên ngày 26/2, cổ phiếu nhóm thuỷ sản bùng nổ sắc tím, các mã VHC, ASM, ANV tăng kịch trần… Chốt phiên sáng 26/2, sàn HOSE phân hóa với 158 mã tăng và 299 mã giảm, VN-Index tăng 3,85 điểm (+0,32%) lên 1.215,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 424,73 triệu đơn vị, giá trị 9.586,12 tỷ đồng, giảm 19,14% về khối lượng và 18,8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/2.

Bước sang phiên chiều, thị trường bùng nổ khi tăng 12 điểm chỉ số VN-Index đạt 1224.17 điểm. Sắc xanh lan rộng nhiều mã ngành với 270 mã tăng, 214 mã giảm và 11 mã tím. Thanh khoản đạt hơn 23.000 tỷ đồng.

Lý do thị trường bùng nổ

Một số nhà quan sát nhận định, mặt bằng lãi suất thấp và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục được duy trì, thúc đẩy trong năm nay giúp thị trường hấp dẫn hơn. Dòng tiền giao dịch sôi động trong 2 tháng đầu năm với nhiều phiên thanh khoản trên sàn HOSE đạt giá trị hơn 1 tỷ USD.

Giới chuyên gia đánh giá, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. “Nhà đầu tư sẽ rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn trong quý I và cả năm 2024 vì lãi suất tiền gửi ngân hàng đang gần mức thấp nhất” - ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhận định.

Đồng thời, hồi phục kinh tế trên diện rộng sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp (DN), đặc biệt là ngành ngân hàng và các công ty tiêu dùng. Định giá thị trường cũng đang ở mức rất hấp dẫn.

Chuyên gia cũng cho rằng, sự phục hồi của ngành bất động sản tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian hơn vì các biện pháp để giải quyết các vấn đề của thị trường vẫn đang được triển khai. Do đó, thị trường chứng khoán hiện là kênh hấp dẫn nhất.

Dự báo kịch bản cho VN-Index năm 2024, ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, MSVN đã xây dựng 2 kịch bản cho VN-Index dựa trên khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Với kịch bản cơ bản, nếu việc xem xét nâng hạng không diễn ra, dòng tiền khối ngoại vẫn yếu và thanh khoản khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, MSVN cho rằng VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở mức 1.250 điểm, tăng khoảng 11% so với cuối 2023.

Với kịch bản tích cực, nếu tiến độ nâng hạng diễn ra như dự báo vào tháng 9/2024 (hoặc tháng 3/2025), dòng tiền khối ngoại sẽ mạnh hơn, thanh khoản có thể đạt 20.000 - 22.000 tỷ đồng/phiên thì VN-Index có thể đạt mức 1.420 điểm, tăng 26%.

MSVN kỳ vọng trong cả 2 trường hợp, thị trường sẽ có nhiều biến động trong nửa đầu năm, sau đó sẽ ổn định và tăng tốc dần vào những tháng cuối năm khi bức tranh về hồi phục kinh tế, lợi nhuận DN rõ ràng hơn.

Một số nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc (hệ thống KRX), khi một số thông tin cho biết hệ thống này đã đạt được một số bước tiến đáng kể, thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng và tiến đến xem xét triển khai trong thời gian tới. Hệ thống này vận hành thuận lợi là tiền đề để nâng hạng thị trường chứng khoán. Và khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư thụ động như các quỹ đầu tư theo các chỉ số của các tổ chức xếp hạng thị trường uy tín trên thế giới MSCI, FTSE Russell… Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), trong trường hợp nếu tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.

H.Hương