Tinh hoa Việt

Đổi mới, sáng tạo cho Ngày thơ

NGUYỄN QUANG HƯNG 28/02/2024 07:52

Dần quen thuộc hơn trong đời sống văn hóa hiện đại, Ngày thơ Việt Nam từng bước trở thành một lễ hội mới được hưởng ứng rộng rãi với những biểu hiện đa dạng trong cách thức tổ chức, sinh hoạt mỗi đợt Nguyên tiêu.

ngay-tho-111.jpg
Một tiết mục văn nghệ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Nhìn lại, có thể thấy đã có rất nhiều điều được mang đến, được thể hiện ở những Ngày thơ Việt Nam hằng năm. Điều đó lại càng thôi thúc các nhà tổ chức vượt qua sự nhàm chán, hạn chế để làm nhiều hơn nữa cho Ngày thơ.

Với tính chất mới và tinh thần mở, Ngày thơ - Lễ hội thơ không bị bó buộc vào các khuôn khổ nghi thức truyền thống như các lễ hội cổ truyền như việc tế lễ, dâng hương, mà qua một số năm đầu với những phần diễn văn và thủ tục tổ chức có mang tính hành chính thì càng về sau, việc khai mạc, thực hiện hoạt động Ngày thơ càng có sự đổi mới, làm khác đi. Đương nhiên là vẫn phải xoay quanh những quy trình mang tính phổ biến trong việc tổ chức các sự kiện và hình thức sinh hoạt cộng đồng…

Nhìn chung trong tổng thể việc tổ chức Ngày thơ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) thì các hoạt động cũng đa dạng lên. Mỗi năm Ngày thơ lại có chủ đề chung, đồng thời có chủ đề riêng ở Sân thơ Trẻ. Qua những năm các nhà thơ người Việt Nam thể hiện thì lại có được một số dịp tổ chức liên hoan thơ với quy mô rộng rãi, đón được nhiều nhà thơ từ các nước, các châu lục tới giao lưu, đọc thơ.

Từ hình thức thả bóng bay lên trời mang theo những câu thơ hay, đã có đa dạng hơn việc trưng bày, triển lãm giới thiệu những bài thơ, câu thơ hay và nhiều gương mặt thơ tiêu biểu, nổi tiếng của đất nước. Rồi ngoài không gian thơ dành cho việc đọc, trưng bày các tác phẩm chất lượng tốt, chuyên nghiệp thì có những năm Ngày thơ ở Văn Miếu còn dành không gian cho các câu lạc bộ thơ. Có thời điểm sân thơ còn đón sự tham gia của các trường đại học hay một số đơn vị văn hóa.

Sau mấy năm dịch bệnh, Ngày thơ Việt Nam được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại khu vực Hoàng thành Thăng Long mở rộng về quy mô, hoạt động với các phần trưng bày thơ, triển lãm hiện vật, tổ chức tọa đàm và còn đưa chương trình đọc thơ vào buổi tối với sự cộng hưởng của âm thanh, ánh sáng hiện đại, sự dàn dựng và những tiết mục nghệ thuật mang xu hướng tạp kỹ.

Năm nay, vẫn khai thác không gian sân bóng bên ngoài Hoàng thành, Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” tiếp tục xu hướng phát triển về quy mô, sáng tạo trong dàn dựng và bổ sung thêm về hoạt động, trên tinh thần tôn vinh di sản thơ ca các dân tộc anh em và sáng tác của nhiều nhà thơ đồng bào các dân tộc.

W_img_1675.jpg
Trang trí tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Đức Quang.

Trong khi đó, tận dụng không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Hà Nội cũng sẽ có chương trình Ngày thơ riêng của mình vào ngày 14 tháng Giêng. Đây cũng là một ví dụ cho việc các hội nghề nghiệp tỉnh, thành phố, các địa phương chủ động tổ chức Ngày thơ của mình.

Trong những năm qua, công chúng cả nước chứng kiến nhiều hoạt động Ngày thơ được tổ chức sôi nổi, phong phú ở rất nhiều nơi với nhiều quy mô từ cấp tỉnh cho đến cơ sở, từ chuyên nghiệp đến phong trào không chuyên. Và cũng rất đa dạng với các hình thức ngâm, đọc, trình diễn, ca múa thơ, hát nhạc phổ thơ, triển lãm, trưng bày sách thơ…

Lướt qua để thấy sự nở rộ của hoạt động tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Còn về chất lượng, hiệu quả của những Ngày thơ do những đầu mối khác nhau tổ chức; sức hấp dẫn, thuyết phục của các hoạt động hay sự đổi mới, sáng tạo trong đó thì là vấn đề khác.

Không phủ nhận trong việc tổ chức hoạt động Ngày thơ cũng đã có không ít cái dở, cái nhàm chán, sự dài dòng và cả những sai sót, hạn chế về thẩm mỹ.

Những hạn chế về chất lượng, bất cập trong tổ chức cũng sẽ cần được nâng cao, chuyên nghiệp hóa hơn về kỹ năng, nghiệp vụ, cẩn trọng và nghiêm ngắn hơn trong lựa chọn, công bố về mặt nội dung để đưa ra công chúng những tác phẩm thơ tốt, xứng đáng để phục vụ bạn nghe, xem, đọc trong các không gian của Ngày thơ. Ở khía cạnh đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động Ngày thơ Việt Nam, với vai trò khởi xướng, thiết kế, duy trì của các hội nghề nghiệp hay địa phương, cơ sở, nên chăng có sự nghiên cứu để làm cho lan tỏa, sâu sắc, độc đáo hơn lễ hội mới này.

Với việc mở rộng ra các hoạt động trưng bày các gương mặt và bài thơ, câu thơ hay; triển lãm các di vật, hiện vật, sách, tài liệu… liên quan đến các nhà thơ nổi tiếng, nếu chỉ thực hiện trong riêng một ngày Nguyên tiêu thì vừa eo hẹp về thời gian, vừa lãng phí về nhân lực, thiết bị, vật liệu khi chỉ qua một ngày là đã phải dọn dẹp, cất đi, có khi bỏ đi.

Nên phát huy hiệu quả quảng bá, tuyên truyền của những hiện vật, tài liệu đó bằng hình thức triển lãm, trưng bày lưu động ở các không gian văn hóa khác nhau của địa phương, ở các trường học để đông đảo người dân, học sinh được tiếp cận. Cũng như ở không gian chính diễn ra Ngày thơ là Hoàng thành, hay Văn miếu, hay các di tích, danh thắng, trung tâm văn hóa ở các tỉnh, thành phố, các hoạt động đó nên được kéo dài hơn như những chuỗi chương trình, những tuần lễ hưởng ứng Ngày thơ. Ngoài công chúng thơ ca, đây cũng có thể được khai thác như những sản phẩm du lịch phục vụ du khách đầu xuân.

Cùng với đó, để kéo dài hơn sức sống, cảm hứng Ngày thơ, lan tỏa những hiệu quả thẩm mĩ từ sinh hoạt Ngày thơ, các ban tổ chức nên tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để truyền, phát đi các chương trình ngâm, đọc, trình diễn thơ có chất lượng cao về nội dung và hàm lượng nghệ thuật cao trong sự thể hiện.

Các chương trình như thế, nếu đặc sắc, cuốn hút, nên được ghi lại để biên tập, phát lại trên hệ thống báo chí, website chính thống của hội nghề nghiệp, cơ quan văn hóa địa phương.

Như thế sẽ tạo điều kiện cho công chúng, khán thính giả nhiều nơi được thưởng thức những chương trình thơ tốt. Và bởi, dù có các chương trình thơ thật hay được các hội nghề, địa phương tổ chức thì cũng không thể có đủ sóng truyền hình, phát thanh hay báo điện tử mà truyền tải trực tiếp cho hết những chương trình, nội dung đó cùng trong khuôn khổ Ngày thơ Nguyên tiêu.

Và nữa, nếu với những gì đã quen thuộc qua một số năm thì nên thay đổi, sáng tạo cách thể hiện. Ví dụ như những con đường thơ, pano thơ với những câu thơ hay, những chân dung nhà thơ nổi tiếng khi phần nào giảm sức cuốn hút, thì cách trình bày, trang trí cũng nên mới lạ hơn nhằm tạo ấn tượng thị giác, ví dụ như sắp đặt thơ, triển lãm thư pháp thơ hay…

Đặc biệt là việc chọn lựa gương mặt, nội dung thơ cũng nên đa dạng, rộng mở hơn, hướng nhiều thêm đến thế hệ trẻ, đến những gương mặt mới. Đặc biệt là Ngày thơ Việt Nam thì cũng không hề bất hợp lý nếu tổ chức được những không gian thơ ca thế giới, thơ ca nhân loại cổ kim. Điều này sẽ càng mở rộng quy mô, tầm vóc, gợi mở sự liên hệ, so sánh, thêm những “món ăn thơ” cho công chúng khi đến với không gian Ngày thơ.

Các sinh hoạt trong khuôn khổ Ngày thơ cũng nên được đa dạng hóa hơn nữa với nhiều chương trình, hoạt động cùng diễn ra, duy trì trong không gian rộng với sự bố trí hợp lý về âm thanh, ánh sáng, sân khấu, thiết bị… nhằm tạo ra nhiều món ăn cho công chúng chọn lựa, thưởng thức. Ví dụ có điểm sinh hoạt đọc, ngâm thơ, giao lưu, tặng sách giữa nhà thơ với bạn đọc; có nơi trình diễn các ca khúc phổ thơ thành công; có không gian tổ chức các trò chơi đố thơ, “bói” thơ, đối thơ, tập làm thơ vui, thi sáng tác thơ trong khuôn khổ Ngày thơ…

Tất nhiên, muốn vậy thì lượng công chúng đến với Ngày thơ cũng phải đông đảo, liên tục để phân tán, lan tỏa vào các không gian khác nhau của chương trình Ngày thơ. Trong khi đây vẫn là một hạn chế không nhỏ của việc tổ chức Ngày thơ.

Do đó, chọn lựa những không gian văn hóa, du lịch, không gian rộng lớn để thu hút nhiều người là việc cần quan tâm. Cũng như các Ban tổ chức rất cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông, mời gọi, huy động số lượng đông đảo công chúng yêu thơ, sinh viên, học sinh, hội viên các hội nghề nghiệp… đến tham dự và có hệ thống hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể.

Với tính chất của một sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật, Ngày thơ là dịp thú vị để khuyến khích sáng tạo của những người làm thơ, yêu thơ, các hội nghề nghiệp, nhà tổ chức liên quan đến thơ ca và Ngày thơ. Mục tiêu chung nhất là để thơ hay đến được nhiều hơn với công chúng. Người sáng tác được khích lệ, truyền lửa nhiều hơn một phần cũng từ những hiệu quả lan tỏa và tiếp nhận, hưởng ứng này.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Ngày thơ và bản sắc vùng miền
Thường thì, Ngày thơ Việt Nam hằng năm được tổ chức theo một
chủ đề nhất định. Từ Trung ương đến các tỉnh, thành thậm chí huyện thị, phường xã cũng rập khuôn theo nội dung đó. Ngày Thơ năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam nêu ra chủ đề "Bản hoà âm đất nước" thì phần lớn các địa phương cũng theo đó mà làm. Theo chỗ tôi biết thì trừ Hà Nội, TPHCM, tỉnh Thái Nguyên là có chủ đề khác phù hợp với quê hương mình.
Từng có nhiều lần ở trong Ban tổ chức Ngày thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi ủng hộ cách làm của các địa phương vừa nêu trên. Ngày thơ rất cần sự phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc của các vùng miền. Ngoài cái chung, địa phương nào cũng có nét riêng đặc sắc của mình về lịch sử, địa lý và văn hóa…
Và rất cần thiết đổi mới kịch bản Ngày thơ, tránh sự lặp lại khiến công chúng tham gia thấy nhàm chán. Ngày thơ nên được dẫn dắt theo những câu chuyện thơ, mạch thơ và đó cũng chính là mạch đời, mạch tâm hồn dân tộc. Càng mềm mại, biến ảo càng trữ tình, hấp dẫn. Những ồn ào, rỗng rễnh, khoa trương không thuộc về thơ, không thuộc về Ngày thơ, tôi nghĩ thế.

NGUYỄN QUANG HƯNG