Giáo dục

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo có bảo đảm?

Nguyễn Hoài 27/02/2024 14:31

Tới tháng 2/2024, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024, trong đó không ít trường dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu người học.

Tăng từ vài chục đến hàng nghìn chỉ tiêu

Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa có thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 1.590 chỉ tiêu dành cho 10 ngành đại học chính quy bao gồm: Ngành Quản trị kinh doanh; Luật; Luật kinh tế; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Giới và phát triển; Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành; Truyền thông đa phương tiện; Kinh tế; Tâm lý học.

W_img_3852.jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.

Năm 2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 1.515 chỉ tiêu với 10 ngành đào tạo. Như vậy, so với năm ngoái, năm nay trường tăng 75 chỉ tiêu tuyển sinh.

Trường Đại học Giao thông Vận tải đã thông tin tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2024 với tổng số 6.000 chỉ tiêu (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023). Trong đó, tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TP HCM là 1.500 chỉ tiêu.

Năm nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) dự kiến tuyển sinh 3.699 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo. Trong khi năm 2023, trường tuyển sinh 3.599 chỉ tiêu với 34 ngành đào tạo thuộc 2 chương trình chuẩn và chất lượng cao.

Năm 2024, Trường Đại học Phenikaa tuyển 9.896 chỉ tiêu, tăng 2.228 chỉ tiêu so với năm 2023. Nhà trường lưu ý, trong quá trình triển khai, nhà trường sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tương tự, Trường Đại học Công nghệ TP HCM dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu so với năm 2023.

Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Chặn "vượt rào" tuyển sinh

Qua mỗi mùa tuyển sinh, ghi nhận cho thấy, các trường đều có xu thế tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu người học. Tuy nhiên, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh liệu có bảo đảm chất lượng đào tạo sau này nếu không phù hợp với năng lực của trường đại học?

Thực tế, thời gian qua đã có không ít trường “vượt rào” tuyển sinh không đúng với quy định dẫn tới bị xử phạt. Gần nhất là vi phạm của Trường Đại học Trưng Vương (Vĩnh Phúc).

Kết luận thanh tra công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo tại Trường Đại học Trưng Vương của Thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của trường trong quá trình thực hiện tuyển sinh, quản lý đào tạo.

Đáng chú ý, năm 2022, ở hệ vừa làm vừa học, Trường Đại học Trưng Vương (Vĩnh Phúc) tuyển vượt 472 chỉ tiêu, tương đương vượt 737,5%.

Kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT cũng cho thấy, các chương trình đào tạo của trường này chưa đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành điều dưỡng chưa đảm bảo theo quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, một số cơ sở giáo dục đại học sai phạm trong tuyển sinh bị xử phạt trong thời gian qua sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các trường trước mùa tuyển sinh năm 2024. Các trường không vì lợi ích trước mắt mà “nhắm mắt” làm sai.

Còn theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, không thể buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học và xử phạt nghiêm đơn vị vi phạm trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, TS Khuyến cũng đề xuất nên có độ mở cho phép trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong giới hạn cho phép.

Nguyễn Hoài