Kinh tế

Trước khi Chủ tịch bị bắt, Tập đoàn Phúc Sơn làm ăn ra sao?

Tuấn Minh - Đức Sơn 27/02/2024 15:12

Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn do Nguyễn Văn Hậu (tức “Hậu pháo”) làm Chủ tịch HĐQT được giới thiệu là Tập đoàn bất động sản lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc, có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng.

ps.png
Tập đoàn Phúc Sơn của "Hậu pháo" có trụ sở chính tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng khởi tố 5 người liên quan, gồm: Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn), Đỗ Thị Mai (Kế toán trưởng), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên), Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group) và Nguyễn Hồng Sơn (lao động tự do) về tội danh trên.

Đây là kết quả mới nhất sau khi Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long cùng các đơn vị liên quan.

Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hậu là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

hau.jpg
"Hậu pháo" bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, ông Hậu còn là đại diện pháp luật của một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH Một thành viên khu đô thị Bàu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.

Theo thông tin tự giới thiệu của doanh nghiệp, tiền thân của Công ty cổ phần Tập Đoàn Phúc Sơn là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn được thành lập vào tháng 1/2004 tại thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến tháng 8/2009, doanh nghiệp được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Từ tháng 7/2010, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động dưới tên gọi này cho đến nay.

Theo thông tin giới thiệu, Tập đoàn Phúc Sơn có 2 mảng hoạt động chính gồm bất động sản và xây lắp. Trong đó bất động sản là lĩnh vực kinh doanh then chốt.

Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 130 ha; Khu nhà ở cho người có thu thập nhấp 15 tầng tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 149 ha. Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Tập đoàn Phúc Sơn đã được giao và trúng thầu nhiều gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa…

Tập đoàn Phúc Sơn nổi lên từ năm 2017 với việc được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện 3 dự án giao thông tại thành phố Nha Trang với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Đổi lại, Tập đoàn Phúc Sơn được giao hơn 20 ha đất thuộc dự án Khu trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (Sân bay Nha Trang cũ).

Đáng chú ý, tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại Sân bay Nha Trang cũ.

Theo kết luận, trong số 6 dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, có 3 dự án BT do Tập đoàn Phúc Sơn đảm nhiệm đầu tư. Các dự án BT nêu trên đều có nhiều vi phạm.

Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Dự án Trung tâm Đô thị - Thương mại - Tài chính - Du lịch Nha Trang.

Theo đó, tổng số tiền mà Tập đoàn Phúc Sơn phải nộp vào Ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án nêu trên gần 12.000 tỷ đồng.

Tuấn Minh - Đức Sơn