Không sợ camera
Ngay bên ngoài khu đô thị tôi ở có một con đường không nhà cửa, không có camera an ninh và lúc nào cũng ngập rác thải xây dựng.
Chỉ cách vài bước chân, trong khu đô thị sạch bong, gọn gàng. Ai xả rác sẽ bị bảo vệ phát hiện ngay thông qua hệ thống camera.
Mỗi lần đi ngang qua con đường kia, nhìn đống xi măng vôi vữa gạch gỗ tùm lum mà ngán ngẩm. Giá có camera thì tình trạng này đã không xảy ra.
Và mong muốn ấy đã có cơ hội thành hiện thực khi chính quyền Hà Nội quyết định sẽ lắp camera giám sát trên toàn thành phố. Cụ thể là lắp đặt camera tại tất cả khu vực thuộc địa bàn quản lý, bao gồm công trình quan trọng về an ninh quốc gia, di tích lịch sử, các tuyến giao thông, địa điểm công cộng...
Trước thông tin này, trên các diễn đàn đã xuất hiện những ý kiến khác nhau, người ủng hộ, kẻ phản đối, có người băn khoăn. Người ủng hộ thì tin rằng an ninh của thành phố chắc chắn sẽ tốt hơn. Người phản đối lại cho rằng “giám sát kỹ thế khiến cuộc sống tù túng”. Lại có người băn khoăn liệu chất lượng có đảm bảo, liệu có “rút ruột”, tham nhũng…
Khoan hãy bàn đến những ý kiến này. Chúng ta nên xem xét hiệu quả của camera an ninh. Và đây là bằng chứng:
Vụ án giết người hiếp dâm cướp của xảy ra ngày 29 Tết tại Thủ Đức, TP HCM đã kết thúc chỉ ít ngày sau khi công an trích xuất camera phát hiện nghi can (và sau đó được xác định là hung thủ).
Hồi tháng 1, công an phá nhanh án vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại huyện Hóc Môn, TP HCM cũng nhờ camera an ninh. Nghi phạm sát hại cô gái rồi cướp xe tẩu thoát hướng về Long An. Nhờ những hình ảnh thu lại trên camera của người dân, công an lần ra được nghi phạm.
Cách đây ít ngày, công an quận 1, TP HCM bắt một nhóm chuyên trộm cắp xe máy "liên quận" cũng nhờ hình ảnh từ camera an ninh.
Camera không chỉ giúp cảnh sát bắt kẻ gian, mà còn hỗ trợ nhiều hoạt động khác của cộng đồng, đảm bảo mọi người tuân thủ pháp luật và các quy định khác.
Ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, ở thời điểm năm 2019 có 2,5 triệu camera giám sát, chỉ cần một người lái xe đỗ sai vị trí, 5 phút sau anh ta nhận được tin nhắn thông báo phạt.
Trong 10 thành phố lắp đặt camera giám sát nhiều nhất thế giới, có 8 thành phố của Trung Quốc, hai nơi còn lại là London (Anh) và Atlanta (Mỹ).
Camera quan sát được gắn ở hầu như mọi ngóc ngách của Trùng Khánh, giám sát giao thông, ngăn chặn trộm cắp vặt ở nhà hàng, siêu thị hay giám sát an ninh công cộng tại công viên và trung tâm mua sắm...
Những người phản đối việc gắn nhiều camera cho rằng việc này làm mất tự do cá nhân. Nhưng những người ủng hộ thì nói “camera gắn nơi công cộng chứ có gắn trong phòng ngủ nhà anh đâu”.
Có một câu chuyện trên Quora kể rằng một người đàn ông quốc tịch Anh sống ở Trung Quốc nhiều năm. Mới đây ông trở về Anh thăm gia đình. Con gái ông nói “ở bên ấy lắp nhiều camera, bố không thấy lo ngại sao”. Ông trả lời: "Ngược lại, đêm đến bố ngủ rất ngon. Camera giám sát bố và cũng giám sát luôn bọn trộm. Người đàng hoàng thì sợ gì camera”.
Đúng là như thế, nhưng người văn minh, sống theo pháp luật, không làm những việc mờ ám thì không cần phải sợ. E ngại tù túng, “mất quyền riêng tư” cũng là kỳ cục, bởi sao lại có thể đề cao “quyền riêng tư” ở nơi công cộng? Những quyền của một cá nhân ở không gian chung chỉ có thể được đảm bảo khi cá nhân ấy chấp hành các quy định áp dụng cho nơi công cộng.
Việc của chúng ta là chấp hành pháp luật nghiêm túc để không trở thành “mục tiêu” của camera an ninh, và nếu tất cả cùng tuân thủ thì xã hội chắc chắn tốt hơn.
Tôi tin là nếu có đầy đủ camera giám sát, đống phế thải xây dựng trước khu đô thị nhà tôi chẳng còn lý do gì để tồn tại.