Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi
Cục An toàn thông tin (ATTT) mới đây đã điểm ra một số hình thức lừa đảo phổ biến trong và sau Tết Nguyên đán với những chiêu trò vô cùng tinh vi.
Vô số hình thức lừa đảo online
Theo Cục ATTT, những hình thức lừa đảo phổ biến đó là: Hoạt động mê tín dị đoan trên mạng; click nhận lì xì; giả mạo hình ảnh, giọng nói để chiếm đoạt tài sản; sử dụng trùng tên tài khoản ngân hàng để lừa đảo; giả danh quân nhân chiếm đoạt tài sản; lừa đảo nhằm vào người sử dụng chữ ký số…
Cụ thể, các đối tượng đã lợi dụng hình thức mừng tuổi để giả mạo người quen của nạn nhân và gửi lì xì điện tử ảo qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin, thường là các đường dẫn liên kết (link) để đánh cắp thông tin cá nhân người dùng. Hoặc nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo tài chính sử dụng Deepfake và có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, trên các nền tảng như Facebook, Tiktok hay các website, xuất hiện hàng loạt các cá nhân giả mạo thầy bói, thầy tử vi... tạo một "thị trường tâm linh" phủ đầy trên không gian mạng. Nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng vào vận may rủi đã tạo ra cơ hội cho những đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online để trục lợi.
Cũng không ít người dùng đã bị lừa chỉ vì nhìn thấy tên tài khoản ngân hàng nhận trùng với tên người quen của mình. Đối tượng sẽ tìm cách sở hữu các tài khoản ngân hàng với người đứng tên bất kỳ thông qua việc đi thuê lại các tài khoản ấy. Hoặc đối tượng sử dụng căn cước công dân của người khác do bị mất, bị đánh cắp hoặc mua bán thông tin trên mạng để đăng ký mở tài khoản ngân hàng online từ xa. Tiếp đó, đối tượng sẽ đi tìm người có tên trùng với tài khoản trên mạng xã hội, thực hiện hành vi hack thẳng tài khoản Facebook, gửi link vào tin nhắn để cài cắm mã độc, gửi email chứa link dẫn đến web cướp tài khoản rồi nhắn tin mượn tiền...
Đáng lưu ý, tại nhiều địa bàn đã xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến với thủ đoạn mới: Mạo danh, giả danh quân nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Cục Chính trị Quân khu 7, tính từ tháng 7/2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 đã phát hiện 75 vụ việc mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người dâncần nâng cao cảnh giác
Là nạn nhân của một trong những vụ lừa đảo nói trên, anh Ngô Phương (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Đang ngồi họp, tôi thấy bạn thân gọi qua Facebook hỏi mượn tiền, giọng nói và hình ảnh không rõ nhưng tôi vẫn nhận ra đó là bạn mình và đã chuyển 15 triệu đồng. Sau khi họp xong, tôi liên lạc lại với bạn bằng số điện thoại mới biết bạn đã bị mất quyền kiểm soát Facebook và bản thân tôi đã bị lừa”.
Bà N.T.T - buôn bán hoa quả tại Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ trong một tuần, có đến 2 lần bà bị các đối tượng mạo danh sĩ quan công an, quân đội gọi điện thông báo bà có bưu kiện gửi đến, gồm vẩy tê tê và 3 thẻ ngân hàng. Vẩy tê tê là mặt hàng cấm buôn bán, vận chuyển nên người gọi đề nghị bà cung cấp CCCD và số tài khoản ngân hàng để đối chiếu thông tin, hợp tác điều tra. Trong trường hợp cần thiết, bà T. phải chuyển tiền để khắc phục hậu quả. Nghi ngờ mình bị lừa, bà T. đã tắt điện thoại, tìm máy ghi âm và sau đó gọi lại nhưng không ai nghe máy.
Đối với các hình thức lừa đảo trên, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, Cục ATTT, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khuyến cáo: Người dân không nên tin tưởng quá mức vào các dịch vụ tâm linh trực tuyến. Không tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo lợi dụng niềm tin vào văn hóa tâm linh để cung cấp các dịch vụ trực tuyến giả mạo, lừa người dân trả tiền cho các dịch vụ không tồn tại; cần xác minh danh tính của người gửi trước khi mở phong bao lì xì điện tử; Cảnh giác với các tin nhắn có lỗi chính tả, giả mạo thương hiệu hoặc các ưu đãi quá lớn; Nghi ngờ các yêu cầu về tiền bạc hoặc thông tin cá nhân, ngay cả khi được người quen yêu cầu; Cần gọi trực tiếp qua số điện thoại để xác minh danh tính người thân, người quen trước khi chuyển tiền… “Người dân cần cảnh giác xác minh các yêu cầu này thông qua các kênh chính thức, hoặc thông qua cơ quan chức năng. Trên thực tế, các cơ quan, đơn vị này không làm việc qua điện thoại, vì vậy người dân cần bình tĩnh, cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu và kịp thời thông báo với cơ quan chức năng” - ông Hiếu nói.
“Hiện nay, NCSC đã hướng dẫn người dân nhận biết và tránh bị lừa trên không gian mạng qua trang web dauhieuluadao.com. Cục ATTT cũng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân phòng tránh. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến” - ông Hiếu nói thêm.
Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Luật sư Nguyễn Ngọc Phú (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Hành vi lừa đảo trực tuyến có đầy đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối với tội phạm này, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu chiếm đoạt giá trị tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng; phạt tù 2 năm đến 7 năm nếu chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; phạt tù từ 12 năm đến 20 hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.