Sự tương phản giữa các kỷ lục thời tiết
Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt -52,3 độ C, trong khi Badu ở phía Nam ghi nhận mức nhiệt 38 độ C, đây là mức chênh lệch nhiệt độ lớn nhất được ghi nhận ở một quốc gia.
Khu vực Tân Cương của Trung Quốc đã trải qua nhiệt độ thấp kỷ lục -52,3 độ C vào ngày 18/2, vượt qua kỷ lục 64 năm của khu vực. Con số này chỉ kém nhiệt độ thấp nhất quốc gia là -53 độ C, được ghi nhận ở vùng Hắc Long Giang vào tháng 1 năm ngoái.
Thời tiết khắc nghiệt đã gây ra sự gián đoạn lớn sau lễ đón năm mới âm lịch, khi bão tuyết và băng khiến người dân mắc kẹt trên đường bộ và đường sắt. Cùng ngày, Badu ở miền Nam Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ tối đa là 38 độ C, nghĩa là có sự chênh lệch nhiệt độ đáng kinh ngạc đến mức 90,3 độ C trên toàn quốc. Đây là mức chênh lệch nhiệt độ lớn nhất từng được ghi nhận ở một quốc gia, vượt qua Mỹ vào tháng 1/1954 tới 1 độ C.
Trong cùng tuần đó, hệ thống thời tiết ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Brazil đã mạnh lên và hình thành bão nhiệt đới Akará. Vào ngày 18/2, Trung tâm Thủy văn Hải quân Brazil báo cáo rằng, bão Akará đã hình thành qua đêm với tốc độ gió duy trì ở mức 40 dặm/giờ và áp suất 1.000 milibar.
Không giống như ở phía Bắc Đại Tây Dương, hiếm khi xảy ra bão nhiệt đới hình thành ở bán cầu Nam do gió đứt mạnh và thiếu sự xáo trộn thời tiết thuận lợi cho sự phát triển. Akará là cơn bão nhiệt đới được đặt tên đầu tiên phát triển ở Nam Đại Tây Dương kể từ bão nhiệt đới Iba năm 2019 và chỉ là cơn bão thứ 3 kể từ Anita vào năm 2010. Hơn nữa, bão Catarina năm 2004 vẫn là cơn bão Nam Đại Tây Dương duy nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Akará có thể đã phát triển từ tàn tích của một mặt trận lạnh đã mang mưa lớn đến các vùng của Nam Mỹ trước khi đẩy ra ngoài khơi. Hệ thống áp suất thấp nhanh chóng phát triển thành bão nhiệt đới khi nó di chuyển trên vùng nước ấm hơn và cũng được nuôi dưỡng bởi một luồng hơi ẩm nhiệt đới di chuyển về phía Nam dọc theo bờ biển Brazil. Cơn bão không gây ra mối đe dọa cho đất liền vì quỹ đạo của nó di chuyển theo hướng Tây Nam qua Đại Tây Dương.