Cải thiện chất lượng dòng vốn FDI
Ngay từ đầu năm 2024, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã sôi động, mở ra kỳ vọng về một năm tiếp tục thành công trong việc hút vốn ngoại.
Vốn FDI tăng mạnh
Ông Benny Choong - Giám đốc Tài chính khối sản xuất tại châu Á của LEGO Manufacturing Việt Nam cho biết, công ty dự kiến sẽ tuyển dụng 4.000 vị trí việc làm tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới.
Vì thế, Tập đoàn LEGO đang xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn LEGO trên toàn thế giới. LEGO hướng tới đạt chứng nhận Vàng LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) cho nhà máy ở Việt Nam.
Trina Solar – tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng đã quyết định đầu tư dự án sản xuất với tổng vốn đầu tư 454,4 triệu USD. Dự kiến, dự án này sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2025.
Cũng trong lĩnh vực thu hút vốn FDI những ngày đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An nổi lên là một điểm sáng khi đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án lĩnh vực công nghệ cao, linh kiện, thiết bị điện tử, năng lượng xanh. Có thể kể đến các dự án như Nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam do Công ty Radiant Opto - Electronics Corporation (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với mức vốn 120 triệu USD; Dự án Công ty TNHH công nghệ chính xác Luxcase tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, tổng mức đầu tư 24 triệu USD, do Công ty Casetek Singapore Pte.Ltd (Singapore) đầu tư.
Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp của doanh nghiệp (DN) dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng phát triển các khu công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 và sản xuất thông minh. Đây là điều kiện để vừa nâng cao chất lượng đào tạo người lao động, vừa cải thiện vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, ngày 20/1/2024, Việt Nam đã thu hút vốn FDI đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đã có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử. Đáng chú ý, chất lượng dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…
Cơ hội rộng mở
Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008 - thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao.
Để tận dụng được cơ hội này, ông Toàn nhấn mạnh, cần cải thiện môi trường đầu tư, làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính và sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2024 với Việt Nam là thời cơ mới, bước ngoặt mới để tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch VAFIE cho biết thêm, năm 2024 là điểm khởi đầu trong việc thu hút đầu tư FDI mới, chất lượng cao, công nghệ cao vào Việt Nam, do vậy, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn đầu tư FDI hiệu quả.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản. Kết quả khảo sát của JETRO về môi trường kinh doanh vừa được công bố vào tháng 1/2024 cho thấy, trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ DN Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng để thu hút tối đa dòng vốn FDI chất lượng cao. Xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghệ cao, cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính, bởi đây là những yếu tố sẽ giúp cải thiện chất lượng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt năm 2024, khi Thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực, các ưu đãi thuế không còn là công cụ hàng đầu để thu hút vốn FDI. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ tổng thể.
“Việt Nam đang sở hữu nền tảng cần thiết để có thể đạt được tiến bộ đáng kể, củng cố hơn nữa vị thế là điểm đến FDI hấp dẫn. Với dòng vốn đầu tư chất lượng cao ngày càng tăng, vấn đề cấp bách đối với các doanh nghiệp là nguồn cung nhân tài có đầy đủ trình độ, hiểu biết, kỹ năng và tầm nhìn quốc tế” - TS Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam.