Đi tìm giá trị của lễ hội
Thời điểm này nhiều lễ hội lớn trên cả nước đã và đang được tổ chức, thu hút hàng nghìn người tham gia. Lễ hội không chỉ là nơi giúp con người thỏa mãn về mặt tâm linh mà còn là nơi thỏa nguyện vọng được vui chơi để nạp nguồn năng lượng cho năm mới.
Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều lễ hội đã có những biến đổi để phù hợp với cuộc sống, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi liệu truyền thống có bị mất đi? Và cũng từ đó xuất hiện những lễ hội bị lợi dụng để làm thương mại hay biến tướng theo chiều hướng cực đoan...
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế, vì đến hội là để vui, để được hưởng thụ.
PV: Hiện nay trên cả nước có hơn 8.000 lễ hội được tổ chức trong năm, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán đang diễn ra rất nhiều lễ hội xuân. Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông thấy lễ hội của chúng ta ngày nay đã và đang phát triển như thế nào?
Nhà nghiên cứu NGUYỄN HÙNG VĨ: Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ, từ những năm tháng chiến tranh sức người sức của tập trung cho cuộc chiến; thời kỳ Đổi mới bắt đầu thấy sự hồi sinh của cuộc sống qua những lễ hội văn hóa truyền thống, nhưng muốn xây dựng lại lễ hội thời điểm đó không phải điều dễ dàng. Cho đến những năm 1990 - 2000 thì lễ hội mới dần được khôi phục và bắt đầu lan tỏa khắp nơi, đặc biệt là những nơi mà trước đó đã từng có lễ hội, bị mất đi nửa thế kỷ bắt đầu quay trở lại và trở lại một cách rất mạnh mẽ.
Sang thế kỷ 21, chúng ta có hơn 20 năm phát triển mạnh mẽ về lễ hội ở khắp nơi. Nếu trước đây chúng ta đi dọc duyên hải từ Bắc vào Nam nhìn thấy những cái lều nhỏ thờ các thành hoàng thì bây giờ đã là đền to phủ lớn, khang trang đẹp đẽ, trang nghiêm hơn rất nhiều. Từ những chốn tâm linh thờ tự, những lễ hội từ đó hình thành, và nhiều khi phát triển nóng các lễ hội bùng nổ. Đến bây giờ, chúng ta thấy sự phát triển lễ hội khắp các vùng của dân tộc là một tín hiệu hết sức đáng mừng. Đây là minh chứng cho sự trở lại của những bản sắc của dân tộc, nhưng đồng thời nó cũng có những phức tạp…
Tuy vậy chúng ta vẫn giữ gìn rất tốt văn hóa Việt để không bị trôi dạt, vẫn là văn hóa của một quốc gia độc lập, khác với văn hóa của nhiều vùng trên thế giới.
Tuy nhiên với con số hơn 8.000 lễ hội hiện nay, đó có thể là một con số lớn nhưng nếu phân bổ hơn 8.000 lễ hội đó trên các địa phương thì còn vô vàn những làng quê không có lễ hội. Riêng ở quê tôi (Nghệ An), hàng chục làng không có lễ hội và khi nhìn sang lễ hội của làng bên cạnh, họ có lễ Noel, lễ chầu lượt, bên này cùi cụi làm ăn quanh năm, người làng cũng tủi thân. Các làng xây dựng kinh tế mới, các phố mới lập rất ít lễ hội cổ truyền.
Nghiên cứu những không gian không có lễ hội đó, chúng ta nhận ra đời sống tinh thần, đời sống xã hội rất mỏng. Những làng không có lễ hội, có thể họ giàu có nhưng chưa chắc đã vững bền. Hay nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc là họ dễ bị “xô dạt văn hóa”.
Mỗi lễ hội sẽ mang một nét đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung thì giá trị của lễ hội đối với đời sống con người theo ông đó là gì?
- Mỗi lễ hội có một ý nghĩa chủ đạo. Tập hợp lại, có thể nhìn nhận về một “hệ giá trị lễ hội”, ít nhất là các phương diện như sau:
Thứ nhất, tạo nên một cảm hứng chung của cộng đồng là cảm hứng hướng nguồn. Cộng đồng nào nhiều văn hóa hướng nguồn là cộng đồng tích lũy được nhiều năng lực tồn tại và phát triển nhất. Cộng đồng nào đơn sơ, đơn giản và ít cách thức, điều kiện hướng đến nguồn cội sẽ là những cộng đồng cần bảo vệ nhất, nếu không họ sẽ giảm dân số, kinh tế không phát triển và bị xô dạt văn hóa, khó tồn tại trong thế giới ngày nay.
Thứ hai, lễ hội mang giá trị cố kết cộng đồng khi hướng về cùng một cội nguồn, chung về một cảm hứng hoạt động, đồng thuận trong một cách thức tổ chức lễ và hội. Từ đó mang trong lòng nó niềm tự hào về làng quê, mở rộng là tình yêu quê hương, đất nước. Cái đó sẽ nuôi sống tâm hồn của cả cộng đồng.
Thứ ba, lễ hội là thời điểm tích tụ và bùng nổ về văn hóa. Thông qua lễ hội người ta nhìn thấy văn hóa của làng, xã, thành phố, đó là một trong những thông điệp về bản sắc văn hóa. Mỗi lễ hội người ta trưng diện, giữ gìn, bảo lưu một giá trị văn hóa riêng. Nó là một phương thức trình diễn tổng hợp của tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng lao động, thậm chí là triển lãm thành quả lao động. Đám rước, tế lễ, diễn xướng nghệ thuật, trò chơi, thi đấu, trình nghề, tiếp khách, mâm cỗ, trò diễn mô phỏng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật ẩm thực...
Lễ hội tháng Giêng giống như một cơn bùng nổ của sắc màu, âm thanh, tâm thức, tín ngưỡng, nghệ thuật… Chúng tôi gọi đấy là phương thức của trình diễn với chủ nhân. Không chỉ một nhóm hát này, một nhóm cúng kia và dường như tất cả dân chúng khi đó, đi vào một không gian khác, không gian của tinh thần, không gian của nghi lễ, không gian của nghệ thuật, không gian của văn hóa ẩm thực, không gian của giao lưu, giao tế.
Thứ tư, lễ hội là thời gian tiếp đón bạn bè, giao lưu xã hội. Quan hệ xã hội được rộng mở, vượt khỏi lũy tre làng.
Thứ năm, lễ hội cũng là nơi nghỉ ngơi thư giãn và tham gia các hoạt động tinh thần. Đây là phương thức nghỉ ngơi cộng đồng, là một giá trị của lễ hội, một trong rất nhiều giá trị của văn hóa.
Thứ sáu, lễ hội khiến cho cá nhân con người hạnh phúc, tất cả mọi người trong cộng đồng đó được thể hiện mình. Đó là những nhu cầu cực kì cao cấp của con người chứ không chỉ là nhà cao, cửa rộng. “Tôi có được thừa nhận trong cộng đồng đấy không?”, thế thì hội đồng môn được thừa nhận, hội đồng tuế cũng được thừa nhận, hội các bà đi chùa cũng được thừa nhận, hội tư văn đều được thừa nhận. Còn một số nơi trên thế giới người ta không thừa nhận con người nhưng nhờ lễ hội mà gắn kết.
Thực ra, hạnh phúc lớn nhất của con người là sáng tạo và hạnh phúc lớn thứ hai là được cộng đồng thừa nhận. Nếu không được cộng đồng thừa nhận thì gọi là lạc loài. Không ai muốn làm người lạc loài cả, bị khinh rẻ.
Mang ý nghĩa tốt đẹp như vậy nên nhiều lễ hội truyền thống được gìn giữ, nhưng cũng có không ít lễ hội đã có sự thay đổi cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Quan điểm của ông như thế nào về sự biến đổi, thích ứng của lễ hội trong xã hội hiện nay?
- Bản chất của lễ hội là thay đổi. Bản chất của văn hóa dân gian luôn luôn thay đổi. Cũng như truyện cổ tích không có bản gốc. Ca dao không có bản gốc. Lễ hội cũng không có bản gốc. Di sản tinh thần hầu như không có cái gọi là “nguyên bản” mà vận động không ngừng, tiếp biến.
Sáng tạo hôm nay, những gì tạo nên giá trị chắc chắn sẽ là truyền thống tốt đẹp cho ngày mai. Lễ hội vốn đã phát triển, thay đổi, tiếp biến trong trường kỳ lịch sử thì với ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể có những sáng tạo để quảng bá cho một biểu trưng văn hóa Việt Nam đẹp đẽ, nhân văn.
Tuy nhiên sau bao nhiêu năm, một số lễ hội vẫn còn bất cập, hình ảnh chưa đẹp như biến lễ hội thành nơi trục lợi, cầu xin, cúng lễ tràn lan... Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Về những bất cập trong các lễ hội rất nhiều: đông đúc chen lấn, cờ bạc, rượu chè, ách tắc giao thông, an ninh lộn xộn, bạo lực bởi tranh giành cướp lộc, nạn chặt chém các dịch vụ, cá độ ăn tiền, mê tín dị đoan, hành động phản cảm... Qua một thời gian, chính quyền và ban tổ chức lễ hội từng bước chấn chỉnh và đỡ dần.
Mê tín tràn vào lễ hội - một không gian giàu tín ngưỡng, khó quản lý vì quá đông đảo và quá nhiều hoạt động khác nhau: bói toán, xem tướng, xin xăm, xóc thẻ, cướp lộc...
Có những lễ hội, nhiều người tổ chức các hoạt động mê tín như cắt tiền duyên, cắt vong và thu tiền rất cao, rõ ràng đó là hoạt động “buôn Thần, bán Phật” cần bài trừ. Không thể lấy cái cớ là vì người dân có nhu cầu nên “phục vụ”. Luật pháp Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng bài trừ mê tín. Chúng ta cần hướng đến một lễ hội thành tâm, an toàn, văn minh, vui vẻ, hòa nhã, lịch sự, kính trọng thần thánh, tôn trọng con người.
Theo ông, cần làm gì để các lễ hội được tổ chức tốt hơn, phù hợp với sự phát triển hiện nay nhưng vẫn giữ được những bản sắc văn hóa tốt đẹp của ông cha ta?
- Lễ hội cổ truyền là một loại di sản văn hóa, tổ chức UNESCO có những quy định rất đúng đắn, đó là sự quan hệ biện chứng giữa 4 nhiệm vụ: Thấu hiểu - bảo tồn - phát huy - quảng bá. Tiên quyết là sự thấu hiểu, bởi có thấu hiểu thì mới chỉ ra được cốt lõi, ý nghĩa và giá trị của lễ hội...
Việc thấu hiểu này không chỉ người bản địa mà đến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng cần chú tâm hơn nữa. Đây là công việc thường xuyên. Khi đã hiểu sâu hơn, thì sẽ rút ra được những gì cần bảo tồn, cần gìn giữ, những gì cần phát triển, sáng tạo cho hôm nay để thành truyền thống cho mai sau. Thế hệ nào có đóng góp của thế hệ đó.
Về truyền thông, phải khách quan và hài hòa khi phản ánh những tục lệ, phong tục và các hiện tượng diễn ra. Không vì “câu view” mà nhấn quá mạnh về hiện tượng tiêu cực ở một số lễ hội. Cả nước đâu phải toàn như vậy. Phải công bằng.
Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu và thực thi văn hóa cần tuyên truyền sâu rộng, lượng định những tác hại lâu dài của sự hiểu nhầm “phi văn hóa” thành “văn hóa” của các dị tục. Đồng thời phát triển, sáng tạo không ngừng để gia tăng phần giá trị truyền thống và bớt dần những tác động tiêu cực. Tục lệ từ trong quá khứ cũng biến đổi phát triển trong lâu dài mới có chứ nó không ở một thời nào là chuẩn cả. Nó luôn luôn biến đổi để phù hợp với cuộc sống thực sinh, ngày càng văn minh của cộng đồng, của nhân loại. Ngành văn hóa hoàn toàn có đủ năng lực và khả năng để thực hiện các việc đó.
Nhưng suy cho cùng, con người là chủ thể tổ chức lễ hội và cũng là yếu tố quan trọng nhất. Con người đi lễ hội hôm nay so với con người trong lễ hội ngày xưa, theo ông thấy có sự khác nhau như thế nào?
- Đặc trưng của lễ hội ngày nay so với lễ hội ngày xưa (tính lễ hội trước Cách mạng Tháng Tám) tôi thấy con người ngày nay khác hẳn, họ tự tin, vui vẻ, đàng hoàng. Nếu chúng ta xem những bức ảnh của Viện Viễn Đông Bắc Cổ ngày xưa, ảnh chụp bài báo của cụ Nguyên Văn Huyên nghiên cứu, thấy con người Việt Nam ở trong lễ hội khi đó tội nghiệp lắm, họ không tự tin mà cười. Họ đúng là con người của thời kì thuộc địa. Họ thấy bé nhỏ trước thần thánh, trước cộng đồng, tiếng cười vô cùng hiếm hoi, mặt thì sợ hãi, hoặc đăm đăm. Đăm đăm chứ không phải nghiêm trang. Quần áo thì lùng thùng, áo vá nón rách, đi chân đất, người gầy gò đen đúa.
Còn thời đại ngày hôm nay, chúng ta thấy một em bé hay một người đi lễ hội, họ tự tin vui cười thoải mái. Vậy là không phải những gì trước đây đều tốt đẹp. Nhưng chúng ta thường có tâm lý phổ biến là những gì trước đây đều tốt đẹp cả, những gì bây giờ không tốt đẹp bằng ngày xưa thì tôi thấy cực kì lạ.
Đọc văn học nghệ thuật phê phán của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, chúng ta thấy những lễ hội ngày xưa buồn cười so với bây giờ. Tôi nhìn vào những phản ánh thực tế đó chứ không ảo tưởng xưa cái gì cũng tốt. Xưa có cái tốt và cũng rất nhiều cái không tốt, và ngày nay cũng có những mặt tốt và những cái chưa được như kỳ vọng.
Ngày nay, về tinh thần và vật chất hơn hẳn. Ngày xưa, người nông dân ở làng quê cả đời không bước chân ra khỏi làng, cứ loay hoay biết mấy con cá, con tôm, cây lúa. Trong một làng ngày xưa chỉ có vài ba người là biết chữ, chỉ dăm ba người chơi nhạc cụ, lèo tèo vài người biết cúng tế, còn lại dân thì lùi lũi làm ăn, họ rất bị động. Nhưng bây giờ, chúng ta tồn tại, chúng ta độc lập, chúng ta phát triển, chúng ta hội nhập đến như hôm nay là cả một quá trình
Nói chung người Việt mình dễ thay đổi, dễ tiếp xúc, tiếp biến, ứng xử với mọi biến cố… trong tất cả những cái đó thì người ta yêu mến cội nguồn của dân tộc, chính điều đó tạo nên bản sắc riêng mà thế giới cần bản sắc chứ không cần những dân tộc và quốc gia giống nhau. Lễ hội ngày nay giá trị lan tỏa cũng tăng lên gấp nhiều lần, bừng nở.
Đời sống được nâng lên, nhu cầu đi lễ hội của người dân cũng tăng theo, dòng người đổ về các lễ hội đầu xuân ngày càng lớn nhưng kéo theo đó là hiện tượng đám đông, nhiều người cứ mải miết đi lễ nhưng không biết đến chỗ đó là thờ ai, vào chùa, đình phải lễ như thế nào. Từ không hiểu dẫn tới có những ứng xử không phù hợp và có thể bị lợi dụng bởi các đối tượng trục lời tâm linh mà không hề biết. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên không ít người tìm đến tín ngưỡng và tôn giáo "cầu may", "cầu tài cầu lộc". Đó cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều người trục lợi, buôn thần bán thánh, dẫn đến biến tướng như mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ... Chẳng hạn có những người đặt niềm tin quá lớn vào lời thầy cúng sắm lễ tiền vàng đầu năm hay trả lễ cuối năm đều mang đến cả chục cân vàng mã. Nhưng đó là hành động không chỉ gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Người xưa có câu “lễ bạc tâm thành”, tâm thành tại tâm, không cốt lễ lạt. Có đốt, hóa bao nhiêu vàng mã mà tâm không thành thì cũng vô ích. Bên cạnh đó đốt lượng lớn vàng mã cũng là vô cùng lãng phí trong bối cảnh người dân và cả nước đang coi tiết kiệm là quốc sách.
Chính việc thiếu nhận thức đúng đắn dẫn đến hiểu biết sai lệch, đức tin mù quáng của người dân. Lý do của hiện trạng trên một phần đến từ sự thiếu kiểm soát và quản lý thực tiễn của cơ quan chức năng đối với các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo.
Ngoài bị trục lợi tâm linh, tại một số lễ hội diễn ra cảnh “cướp lộc” khiến nét văn hóa đi lễ đầu năm bị méo mó, gây thiện cảm xấu với người dân, ông đánh giá việc này như thế nào?
- Cuộc sống thì có người này người khác, vì lòng tham mà tranh giành lẫn nhau đến Thần Phật cũng ngao ngán. Từ đó mà sinh ra dị tục “cướp lộc”. Hệ lụy thì rõ ràng, trước hết là tranh giành, xô đẩy, dẫm đạp ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của nhau. Sau nữa về tâm lý, nó gia tăng tâm lý cướp đoạt, bạo lực trong cuộc sống. Và thứ ba, quan trọng hơn, trên truyền thông mạng, cả thế giới chứng kiến những hình ảnh "xấu xí", vậy thì họ có tôn trọng và thân ái với mình không? Cướp lộc như thế thành ra có hại chứ không lợi lộc. Trước thần thánh mà giành giật thì không còn chút gì thiêng liêng cả. Có những nơi thành “tục” và khăng khăng giữ lấy vì hiểu nhầm đó là văn hóa. Nhưng đó là tục lệ chứa đựng những yếu tố phản văn hóa, phản văn minh (khái niệm văn hóa, tự thân nó đã bao chứa những giá trị, tức là chân, thiện, mỹ, có ích cho con người) cần phải nghiên cứu và thay đổi dần dần.
Trong 3 tháng mùa xuân sẽ có rất nhiều lễ hội văn hóa quy mô lớn được tổ chức trên khắp cả nước, ông có những lưu ý gì để người dân đi lễ đầu năm được an toàn, may mắn?
- Khi đi lễ đầu năm ở các đền chùa, di tích, tôi chỉ mong muốn mọi người nhất thiết phải tạo một thói quen: trước khi vào lễ cúng dường, đọc kỹ hai văn bản mà hầu như nơi nào cũng có đó là quy định về hành vi khi vào làm lễ và ngoạn cảnh, đọc bảng giới thiệu di sản văn hóa ở đó để biết cách ứng xử và gia tăng nhận thức về di sản. Còn về phần hội, người đi hội quan trọng nhất vẫn là tâm thế. Tham gia lễ hội là để vui vẻ và hưởng thụ, nên mọi người tham gia lễ hội trước hết cần tôn trọng lẫn nhau, không nên quá chén để tránh các hệ lụy. Với tâm thế đó, sẽ giúp chúng ta khám phá và tận thưởng lễ hội một cách trọn vẹn nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Người đi hội quan trọng nhất vẫn là tâm thế. Tham gia lễ hội là để vui vẻ và hưởng thụ, nên mọi người tham gia lễ hội trước hết cần tôn trọng lẫn nhau, không nên quá chén để tránh các hệ lụy. Với tâm thế đó, sẽ giúp chúng ta khám phá và tận thưởng lễ hội một cách trọn vẹn nhất.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ