Tinh hoa Việt

Cần thêm gì cho Ngày thơ?

DƯƠNG XUÂN (thực hiện) 28/02/2024 11:08

Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi với nhiều hình thức, hoạt động. Nhưng với tinh thần là lễ hội mới, là sinh hoạt thơ ca thì việc sáng tạo, nghĩ ra những hình thức, hoạt động mới mẻ, đặc sắc, cuốn hút vẫn là cần thiết. Một số nhà thơ, nhà nghiên cứu chia sẻ ý tưởng với Tinh hoa Việt.

Nhà thơ Vương Tâm: Tạo sân chơi “Hội thơ”

nha-tho-vuong-tam.jpg
Nhà thơ Vương Tâm.

Tôi luôn nghĩ Ngày thơ Việt Nam được coi như một ngày lễ hội mang tính chuyện biệt của một làng nghề, cụ thể ở đây là làng văn. Mặc dù 2 năm qua, Ngày thơ được tổ chức hoành tráng ở Hoàng thành Thăng Long nhưng vẫn không để lại ấn tượng đáng chú ý. Có lẽ nội dung lễ hội ít có sự đổi mới về ý tưởng, chủ đề.

Nên chăng ngoài phần lễ (nên ngắn gọn hơn nữa), nội dung cần có phần hội (sân chơi) phong phú hơn, để các hội viên ai cũng mong muốn góp mặt. Các nhà văn, nhà thơ có thể đăng ký tham gia phần Hội qua các sân chơi với những nội dung dạng “trò chơi thơ” có thưởng như: “Giải đố thơ”, “Thi đọc, ngâm thơ”, “Tác giả kể chuyện về tác phẩm”, “Vịnh Kiều”… Phần thưởng cho những người thắng cuộc sẽ là những tác phẩm nổi tiếng (văn hoặc thơ) hoặc những ấn phẩm văn hóa độc đáo do các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tặng cho Ban tổ chức.

Đặc biệt nên phát huy hơn nữa Sân thơ Trẻ cho các hội viên trẻ tuổi dưới 35. Các tác giả trẻ luôn là những gương mặt thơ hiện đại với những khám phá sáng tạo mới lạ. Họ đại diện cho một lực lượng thơ triển vọng và tài năng sẽ được khẳng định trong tương lai. Có thể sân thơ Trẻ nên vận dụng các hình loại nghệ thuật khác để trình bày thơ: “Youtube Thơ” (chiếu trên màn hình), “Trình diễn thơ” (như đã từng làm), “Sắp đặt thơ”, “Biểu diễn bài hát phổ thơ”…

TS, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim: Kết nối không chỉ trong Ngày thơ

ts-nha-tho-tran-hoang-thien-kim.jpg
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim.

Có lẽ vấn đề đổi mới Ngày thơ để có được sự cuốn hút luôn là một nỗi trăn trở của Ban tổ chức và các nhà thơ tâm huyết với Ngày thơ từ trước tới nay. Trong thời buổi mà công nghệ số cuốn mọi thứ đi một cách nhanh chóng như hiện nay thì Ngày thơ Việt Nam đối với những người yêu thơ là một điểm dừng chân lý tưởng để nuôi dưỡng cảm xúc cho mình và lan tỏa cảm xúc ấy đến với đông đảo độc giả trẻ tuổi.

Với tư cách là một thành viên Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cho rằng, Ngày thơ, ngoài những thành tựu được ghi nhận của các bậc trưởng lão là các cây đa cây đề thì nên dành nhiều sự ưu ái cho các tác giả trẻ. Có lẽ chính vì điều đó nên Ngày thơ có thể trở thành một ngày hội văn hóa cho những người trẻ tuổi yêu văn chương, đặc biệt là khuyến khích mời các bạn học sinh, sinh viên yêu văn học cùng tham gia.

Có lẽ từ năm trước, Ban tổ chức đã có những kết nối cùng một số trường học, CLB văn học trẻ tạo sân chơi để kết nối các bạn văn để vào Ngày thơ thì các CLB đến để cùng giao lưu và trình diễn những chương trình mà nhóm của mình đã đăng ký. Tại đây có thể mời các cây bút trẻ cùng tham gia đọc thơ, biểu diễn thơ và kết nối bền lâu những người yêu văn chương cho không chỉ mùa thơ năm nay, mà duy trì với những tình yêu thơ ca nói chung.

Thơ ca ngoài năng khiếu thiên bẩm còn là những cảm xúc được nuôi dưỡng bởi những tâm hồn đồng điệu và chính những dịp lễ hội như Ngày thơ cũng là một cách nối gần nhưng người xa, nối nhịp cảm xúc của những cánh tay văn chương để thơ ca vẫn luôn có những giá trị vĩnh cửu để tôn vinh những giá trị tốt đẹp về chân thiện mỹ của con người.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Biến Ngày thơ thành ngày hội chung

nha-phe-binh-hoang-thuy-anh(1).jpg
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh.

Sau nhiều năm tổ chức, để thổi bùng sức sống mới cho Ngày thơ và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, làn gió đổi mới là điều cần thiết.

Thay vì giữ nguyên khuôn khổ quen thuộc, hãy khoác lên Ngày thơ chiếc áo mới sáng tạo và tinh tế. Hãy biến những trang thơ thành những vở nhạc kịch, những vần thơ thành những bức tranh sinh động, những câu chuyện kể đầy cảm xúc. Không chỉ tổ chức tại các địa điểm truyền thống như nhà văn hóa, thư viện... mà còn tổ chức tại các không gian công cộng như phố đi bộ, công viên, trường học...

Bên cạnh những hoạt động truyền thống như đọc thơ, giao lưu với nhà thơ, tổ chức workshop sáng tác, cần thêm những hình thức hiện đại, sáng tạo và thu hút. Thay vì chỉ giới hạn trong khuôn khổ quen thuộc, hãy mở rộng không gian thơ ca bằng các cuộc thi thơ online, thu hút sự tham gia của đông đảo người yêu thơ, đặc biệt là giới trẻ. Hãy biến những con phố thành sân khấu, nơi những màn flashmob thơ ca bùng nổ, lan tỏa cảm xúc thi ca đến mọi ngóc ngách cuộc sống. Hãy kết hợp thơ ca với nghệ thuật sắp đặt, tạo nên những triển lãm độc đáo, khơi gợi sự tò mò và hứng thú của công chúng.

Hãy biến Ngày thơ thành một ngày hội, nơi mọi người cùng chung tay sáng tạo. Tạo cơ hội cho họ trực tiếp sáng tác thơ, vẽ tranh minh họa, tham gia trò chơi thơ ca, khơi dậy niềm đam mê và óc sáng tạo. Hãy biến những vần thơ thành âm nhạc, hình ảnh, kịch nghệ, đưa thơ ca đến gần hơn với đời sống, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.

Truyền thông đại chúng, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sẽ là cánh cửa đầu tiên để Ngày thơ bước vào trái tim cộng đồng. Các bài viết, phóng sự, chương trình đặc biệt về Ngày thơ trên báo chí, truyền hình sẽ giới thiệu các nhà thơ, tác phẩm tiêu biểu, đồng thời lan tỏa thông điệp ý nghĩa của sự kiện. Truyền thông xã hội, nơi mọi người kết nối và chia sẻ, là sân chơi trực tuyến lý tưởng cho Ngày thơ.

Các hoạt động như livestream giao lưu với nhà thơ, thi thơ online, bình chọn bài thơ yêu thích, cùng với hashtag riêng (#NgayThoVietNam), sẽ thu hút sự tham gia của cộng đồng mạng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cuộc thi ảnh, video clip về Ngày thơ sẽ kích thích sự sáng tạo của mọi người, khuyến khích họ chia sẻ cảm xúc, tình yêu thơ ca, góp phần gây ấn tượng sâu sắc và khẳng định vị trí của Ngày thơ trong đời sống văn hóa tinh thần.

TS, nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Đưa Ngày thơ đến với nhà trường

ts-nha-tho-ng-minh-cuong(1).jpg
Nhà thơ Nguyễn Minh Cường.

Ngày thơ Việt Nam hằng năm đã và đang trở thành một món ăn tinh thần của người yêu thơ vào dịp Rằm tháng Giêng. Mà đã là một món ăn tinh thần thì rõ ràng phải thường xuyên đổi nguyên liệu, cách thức chế biến nó mới ngon được. Vì vậy, tôi đồng ý rằng: cần phải thường xuyên nghĩ ra những hình thức, hoạt động mới mẻ, đặc sắc, cuốn hút.

Mấy năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương đã thường xuyên, tích cực đổi mới nội dung, hình thức để tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn cho Ngày thơ và bước đầu mang lại sức sống mới cho hoạt động này. Trong đó, tôi ấn tượng với Ngày thơ Việt Nam năm 2023 lần đầu tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long cũng như cách làm của một số địa phương như Thái Nguyên, Phú Yên...

Trong thời gian tới, bên cạnh những hình thức đã tiến hành như triển lãm, trưng bày, hội thảo, tọa đàm, đêm thơ-nhạc, nên có nhiều hơn những hoạt động giúp cho thơ được tương tác với công chúng như tổ chức các không gian giao lưu thơ ca theo cụm chủ đề; tổ chức thi trình diễn thơ giữa một số cơ quan văn hóa, cơ sở giáo dục, đơn vị lực lượng vũ trang...

Các địa phương có thể tổ chức ngày thơ của địa phương mình tại trường phổ thông hoặc cơ sở giáo dục đại học để thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn học nước nhà, bồi đắp tình yêu thi ca.

Trong Ngày thơ phải xây dựng một chương trình biểu diễn, trình bày các tác phẩm tiêu biểu theo chủ đề, kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác để đưa thi ca đến với đông đảo công chúng. Đây là điểm nhấn của Ngày thơ, nên cần được đầu tư xây dựng kịch bản công phu, tổ chức dàn dựng chuyên nghiệp, bài bản. Khi tổ chức có thể tiến hành livestream trên các nền tảng trực tuyến để đông đảo bạn yêu thơ dễ dàng theo dõi và dễ dàng tham gia vào Ngày thơ ở bất cứ nơi đâu.

DƯƠNG XUÂN (thực hiện)