Từ 1/3 tăng trần giá vé máy bay nội địa: Giá biến động ra sao?
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, mặt bằng giá vé máy bay phụ thuộc cung - cầu của thị trường.
Tăng sự cạnh tranh
Hiện tại, các hãng hàng không xây dựng giá vé máy bay nội địa theo khung giá do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định. Theo đó, giá vé nội địa hạng phổ thông cơ bản cao nhất được áp dụng cho chặng bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 3.750.000 đồng/vé một chiều (chưa bao gồm thuế, phí).
Tuy nhiên, từ ngày 1/3, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ thay đổi theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể: các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho hay, việc tăng trần giá vé máy bay nội địa lần này cũng là lần điều chỉnh đầu tiên sau gần 10 năm đến giờ (gần nhất là năm 2015). "Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới đang kiểm soát mức giá trần và sàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chắc chắn trong tương lai sẽ hướng tới thị trường cởi mở hơn khi tăng sự cạnh tranh và do thị trường điều tiết", ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, hiện tại, các Hãng hàng không đang phải chịu rất nhiều chi phí đầu vào đã có sự thay đổi đặc biệt là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ... Sự điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp chi phí và cũng là cơ hội để điều chỉnh giá vé bay của mình trong mạng đường bay nội địa.
"Khi nới giá vé, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục có cơ hội đầu tư ở các phân khúc giá chi trả cao đồng thời cơ hội kéo được mức giá thấp hơn để phục vụ nhu cầu hành khách chi trả thấp hơn hoặc các giai đoạn thấp điểm của thị trường, ngày càng có thêm nhiều chương trình khuyến mại hơn nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các Hãng bay cũng như khách hàng đi lại và chính sách chung của Nhà nước", ông Hà chia sẻ.
Giá vé phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường
Đối với mỗi đường bay sẽ có nhiều hãng hàng không cùng tham gia cung ứng và cạnh tranh vì vậy, khả năng giá vé tăng đột biến rất khó xảy ra. Đặc biệt, việc quyết định giá phải đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn so với các phương tiện vận chuyển khác và phải tùy thuộc vào sức mua và tình hình thị trường, không có việc độc quyền mua hay độc quyền bán.
Hiện nay, giá vé máy bay nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… Thông thường, số lượng vé được bán với mức giá cao nhất (xấp xỉ giá trần) của các hãng chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo đó, việc điều chỉnh giá trần từ ngày 1/3/2024 không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé và ngược lại, sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé.
Cụ thể, các hãng có thể xây dựng được dải giá vé rộng hơn, mở bán thêm được nhiều vé với mức giá thấp, khách hàng sẽ có nhiều cơ hội mua được mức giá thấp phù hợp với khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng chủ động trong việc đánh giá nhu cầu đi lại để xây dựng kế hoạch tăng chuyến phục vụ nhân dân.
Đồng thời, các hãng hàng không đa dạng hóa được sản phẩm, dịch vụ đối với từng đối tượng hành khách, xây dựng sản phẩm chất lượng cao với nhiều dịch vụ, tiện ích tương ứng với giá vé để đáp ứng nhu cầu của hành khách có khả năng chi trả cao.
Đánh giá, mặt bằng giá vé máy bay năm 2024 liệu có giảm hay tăng so với năm 2023, ông Hà cho hay, mặt bằng giá vé máy phụ thuộc cung - cầu của thị trường. Việc dự đoán mặt bằng giá vé năm 2024 khá khó trong thời điểm hiện nay, khi thị trường vận tải hàng không nội địa thay đổi khá nhiều trong những tháng qua.
"Trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường vận tải hàng không nội địa so với Tết cùng kỳ năm 2023 giảm 13%. Như vậy có thể thấy, sự sụt giảm này phản ánh diễn biến của thị trường do nhu cầu hành khách và tải cung ứng của các Hãng bay. Do vậy, mức giá vé máy bay 2024 theo đánh giá cũng sẽ tương đương như năm 2023 và chưa thay đổi gì quá lớn", ông Hà cho biết.