Xã hội

Cảnh giác khi mua hàng online

QUỐC ĐỊNH 29/02/2024 07:06

Người tiêu dùng tham gia vào hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng. Tuy nhiên, gần đây nhiều khách phản ánh, họ thường không nhận được đủ hoặc đúng mặt hàng đăng ký mua, thậm chí không ít trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái.

anhbaitren.jpg
Giao hàng cho người tiêu dùng mua hàng online. Ảnh: Quốc Định.

Nhiều người lâm cảnh “tiền mất tật mang”

Anh Bùi Văn Tuấn (phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, trước đây anh thường có thói quen mua hàng trực tiếp nhưng thời gian cuối năm do bận nhiều việc nên anh phải mua hàng online. Mấy hôm trước, anh Tuấn có đặt mua một máy hút bụi trị giá 800.000 đồng, thông tin giới thiệu về sản phẩm rất phù hợp với sử dụng cho gia đình. Được nhân viên bán hàng gọi điện tư vấn thêm về tính năng, thời gian bảo hành khá chu đáo, máy có sự cố sẽ được đổi trả trong vòng 35 ngày đầu nên anh yên tâm và chốt đơn mua. Ngày đầu tiên cắm điện máy vẫn chạy nhưng công dụng không giống review sản phẩm, dùng được 30 phút thì máy không chạy nữa. “Tôi gọi lại người bán hàng 3 lần không nghe máy. Sau đó, tôi đưa hàng đến hãng được nhân viên cho biết đây là hàng giả. Tiếp tục gọi lại số điện thoại cũ thì không liên lạc được” - anh Tuấn phản ánh.

Chị Mai Thị Lan (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng thông tin, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị đặt combo mỹ phẩm bao gồm kem dưỡng da mặt, dầu gội, sữa tắm, nước hoa. Sau khi giảm giá 30% bộ sản phẩm có giá bán 1,2 triệu đồng. Được giới thiệu là hàng xách tay chính hãng của Hàn Quốc nên chị yên tâm đặt mua. Tối 15/2 (tức ngày 6 tháng Giêng), sau khi đi làm về, chị được shiper giao hàng đến tận tay, kiểm tra hàng thấy bình thường nên thanh toán tiền đầy đủ. Tuy nhiên sau vài lần sử dụng kem dưỡng da thấy mùi hương không còn tự nhiên như trước, da mặt khô ráp; đối với dầu gội thì tóc có biểu hiện rụng nên chị ngừng sử dụng. Gọi điện để xác minh lại máy không có tín hiệu, tìm vào lại trang web đó thì một số sản phẩm đã bị xóa khỏi gian hàng.

Lựa chọn sàn giao dịch uy tín

Bà Đàm Thị Hằng (Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ, bà từng bị lừa khi mua hàng online nên kinh nghiệm rút ra là chỉ những mặt hàng nào không bán ở gần khu vực sinh sống thì mới mua hàng trên mạng; an toàn, hiệu quả nhất là đến trực tiếp, lúc đó người thực việc thực để mua. Bà Hằng lấy ví dụ như mua một thùng mì ăn liền, bà chỉ qua cửa hàng bên cạnh mua hết 4 phút, trong khi thao tác để mua trên online mất khoảng 5 phút, lại phải đợi vài ngày sau mới có hàng. “Mặc dù có rẻ hơn đôi chút nhưng phải chờ đợi, sắp xếp thời gian nghe điện thoại và thời điểm về nhà nhận hàng, thấy quá nhiêu khê mà dễ trúng hàng giả”, bà Hằng đưa ra so sánh.

Theo bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, hiện nay, việc người tiêu dùng gặp phải tình trạng mua hàng giả, kém chất lượng trên các “chợ mạng” rất nhiều. Điều này gây tổn hại không nhỏ về mặt vật chất cũng như làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, hội gặp rất nhiều trường hợp mua hàng giả, hàng nhái nhưng do việc khiếu nại tốn nhiều thời gian, trong khi giá trị món hàng không cao nên nhiều người chấp nhận không khiếu nại hoặc bỏ cuộc giữa chừng.

Ông Bùi Văn Vỹ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Thái Dương (TPHCM) cho biết, giao dịch mua bán trên các nền tảng xã hội đang ở xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, hình thức này ở ta còn nhiều bất cập như quy định, chế tài, quản lý còn lỏng lẻo, “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm. Theo ông Vỹ, tại một số quốc gia, họ đã xây dựng được những quy định và văn hóa kinh doanh khá chuẩn mực, đặt đạo đức kinh doanh lên trên hết, hàng hóa tại siêu thị hay bán ngoài vỉa hè, trên mạng đều có chất lượng như nhau vì vậy giao dịch online mới tồn tại và phát triển được. “Trong tình hình hiện nay, nếu mua hàng trên mạng, người tiêu dùng nên chọn những sàn giao dịch uy tín, được cấp phép hoạt động. Còn không thì mua hàng trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh đã có thâm niên hoạt động lâu, địa chỉ rõ ràng là cách thức tốt nhất để không bị lừa” - ông Vỹ khuyến cáo.

Số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 16% so với năm 2022). Tại một số sàn thương mại điện tử lớn, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi, tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, gia dụng, đồ điện tử…

QUỐC ĐỊNH