Giáo dục

Dạy học bằng trải nghiệm

Hàn Minh 29/02/2024 08:38

Những buổi học thực tế tại bảo tàng, thư viện, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, nhân vật truyền cảm hứng… giúp giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh đang được các nhà trường tích cực triển khai.

anhbaiduoi.png
Học sinh Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Học tập không sách vở

Đầu tuần qua, học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã được trải nghiệm dùng dịch vụ bưu chính, gửi thư có dán tem - một việc gần như xa lạ với thế hệ học sinh ngày nay khi công nghệ số phát triển, những bức thư tay gửi qua đường bưu điện gần như rất ít. Không chỉ được trực tiếp thực hiện quy trình gửi một bức thư dự thi viết thư UPU theo đúng quy định của Ban Tổ chức, các em học sinh còn có cơ hội quan sát quá trình tiếp nhận, khai thác thư của các nhân viên bưu điện, tìm hiểu về những bộ tem bưu chính với các chủ đề đa dạng, gắn với lứa tuổi học sinh. Điểm thú vị nữa là các em có thể sử dụng dịch vụ in tem cá nhân theo nhu cầu.

Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này, cô giáo Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết, học sinh không chỉ hiểu được ý nghĩa của cuộc thi viết thư UPU mà còn có sự thấu hiểu, trân trọng và biết ơn những người lao động bưu chính đang hằng ngày làm những công việc thầm lặng, bình dị.

Em Nguyễn Ngọc Lam Nhi (học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết em đã nhiều lần được tham gia các hoạt động trải nghiệm, các chuyến đi thực tế do nhà trường tổ chức. “Em và các bạn đều rất mong chờ những chuyến tham quan bảo tàng, đi thăm Lăng Bác Hồ… Những bài học lịch sử sống động không chỉ trên trang sách, trong câu chuyện kể của người lớn mà chúng em trực tiếp được nhìn thấy, đến gần, chụp ảnh lưu giữ lâu dài, như vậy sẽ khắc sâu trong trí nhớ hơn là những trang lý thuyết khô khan” - Nhi bày tỏ.

Trên thực tế, phần đông học sinh đều hào hứng với các hoạt động trải nghiệm, học tập không gò bó trong không gian lớp học. Dẫu vậy, không phải mọi hoạt động trải nghiệm đều cần phải tổ chức bên ngoài nhà trường và có thu phí, vì như thế sẽ gia tăng áp lực lên phụ huynh và cũng chưa đúng với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi xem đây là một “hoạt động giáo dục bắt buộc”, thường xuyên, xuyên suốt, liên thông, tích hợp… Thông qua các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các buổi giao lưu, tìm hiểu về các chủ đề đa dạng… sẽ không chỉ giúp học sinh ghi nhớ trong thực tế mà quan trọng hơn là phát triển các kĩ năng quan sát, nhận thức và tư duy; các hành vi ứng xử, cảm nhận, biểu đạt tình cảm…

Tăng cường trải nghiệm thực tế

Một trong những nét mới ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đó là sự xuất hiện của hoạt động trải nghiệm với tư cách là một môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với tên gọi “Hoạt động trải nghiệm” ở cấp Tiểu học, THCS và “Trải nghiệm - Hướng nghiệp” ở cấp THPT. Do mỗi địa phương, nhà trường có những hoàn cảnh, đặc điểm riêng nên việc triển khai hoạt động này sẽ được giao về từng nhà trường, nhưng vẫn cần phải đảm bảo yêu cầu cần đạt.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục Trải nghiệm và Trải nghiệm - Hướng nghiệp, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho biết, hoạt động Trải nghiệm và Trải nghiệm - Hướng nghiệp không đánh giá bằng điểm số. Thay vào đó, các thầy cô căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình để thực hiện đánh giá bằng các hình thức khác nhau. Có thể kiểm tra học sinh bằng cách thông qua việc lập kế hoạch, nêu các hiểu biết về địa phương mình… Nhìn chung, cần đa dạng các hình thức đánh giá khác nhau phù hợp với mức độ phát triển của học sinh sau mỗi giai đoạn.

Riêng đối với hoạt động giáo dục trải nghiệm bằng hình thức đưa học sinh đi tham quan dã ngoại, bà Thoa cho rằng việc này góp phần giúp cho học sinh có thêm những kỷ niệm, tạo không gian để các em thể hiện bản thân, có thêm những cảm xúc mới. “Để hoạt động này thực sự hướng vào mục đích giáo dục thay vì chỉ như một chuyến du lịch có đóng phí, theo tôi cần có sự đầu tư rất nhiều về công sức, sự chuẩn bị nội dung, chương trình trước, trong và sau hoạt động cũng như kiểm soát toàn bộ chương trình. Nếu chỉ đưa các em đến một địa điểm và để hoạt động tự do thì vẫn là một hoạt động trải nghiệm nhưng không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra của hoạt động này” - bà Thoa nói.

Chia sẻ quan điểm này, TS Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ việc các trường giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện qua các môn học chính khóa mà còn phải kết hợp nhiều nội dung khác, ví dụ như phối hợp hài hòa giữa nhà trường và xã hội bằng các hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú. Trong đó, bà Mai đề xuất, các nhà trường cần triển khai dạy học các môn như Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua đó giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh sát thực tế hơn.

Hàn Minh