Những cựu sinh viên chung tay làm con đường lên biên giới
Cuối năm 2023, Hội cựu sinh viên Trường Đại học quốc gia Australia, học bổng của Chính phủ Australia đã kết nối các cựu sinh tự nguyện đóng góp kinh phí gần 200 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng công trình đường bê tông lên cột mốc bảo vệ biên giới.
Đường lên cột mốc biên giới - con đường của tình yêu Tổ Quốc
Công trình này là con đường lên cột mốc biên giới số 1229, 1263 nằm trên đoạn biên giới thuộc thôn Bản Thín, xã Tú Mịch và thôn bản Lòng Pò, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, do đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma và đồn Biên phòng Chi Lăng quản lý, bảo vệ.
Những con đường nhánh lên mốc giới được bê tông hóa đã tạo thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và giúp bà con trong vùng đi lại thuận tiện cho sinh hoạt cũng như lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Anh Vương Văn Bé, thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn phấn khởi cho biết, con đường nối từ đường tuần tra biên giới lên cột mốc được xây dựng bằng bê tông đã giúp cho các chiến sĩ biên phòng hàng ngày lên kiểm tra cột mốc biên giới được an toàn, nhân dân đi lại, lao động sản xuất tại khu vực gần biên giới được thuận tiện. Bà con đi thu hoạch nhựa thông, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng; thu nhập của các hộ dân tăng lên đáng kể.
Với những cựu sinh Trường Đại học Quốc gia Australia (ANU), công trình đường bê tông lên cột mốc bảo vệ biên giới số 1229, 1263 là một trong những dự án quan trọng và ý nghĩa nhất mà họ đã thực hiện.
Anh Hoàng Văn Chiều, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Australia cho biết, các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Lộc Bình quản lý đoạn biên giới dài hơn 29 km gồm 70 cột mốc, trong đó có nhiều mốc ở trên núi cao, công tác tuần tra cột mốc của chiến sĩ biên phòng rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, đường trơn gây mất an toàn. Công trình này có ý nghĩa lớn, giúp cho cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng bớt gian nan, vất vả, phục vụ kiểm tra các mốc giới và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Còn chị Phương Thảo, cựu sinh Úc chia sẻ rằng, chị tham gia dự án này đơn giản là muốn đóng góp một chút sức nhỏ của mình để hỗ trợ cho việc xây dựng con đường kiểm tra, bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới quốc gia. Đó là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Tự hào được chung tay cùng Hội cựu du học sinh Úc xây dựng con đường lên cột mốc biên giới, cựu sinh Đại học Quốc gia Australia - anh Phạm Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT TPG nói rằng: "Cột mốc biên giới quốc gia luôn có ý nghĩa thiêng liêng với tất cả người Việt Nam. Con đường đã in dấu bước chân đồng bào, chiến sĩ và là tình cảm đặc biệt chúng tôi gửi gắm tới những người lính bảo vệ biên cương tổ quốc. Mỗi đoạn đường không chỉ là nỗ lực của đôi bàn tay, mà còn là tấm lòng của những trái tim đầy nhiệt huyết thể hiện trách nhiệm của công dân Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc".
Đồng lòng vì một Việt Nam thịnh vượng
Cộng đồng cựu sinh viên Úc những năm qua đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa các cựu sinh. Nhiều cựu sinh viên Đại học Quốc gia Australia trở về Việt Nam làm việc đã và đang công tác tại nhiều cơ quan, tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong từng vị trí công tác, mỗi người đều có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho đất nước, như làm cầu dân sinh ở Bắc Kạn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Phú Yên, hỗ trợ người nghèo ở Vĩnh phúc…
Anh Phạm Hải Đăng cho rằng, đây cũng chỉ là khởi đầu, các cựu sinh cần tiếp tục lan tỏa, chung sức, đồng lòng để xây dựng với khát vọng hùng cường vì một Việt Nam thịnh vượng.
“Trong tương lai, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng sẽ còn nhiều hơn nữa những dự án ý nghĩa, do các cựu du học sinh Australia cùng chung tay với đồng bào vùng biên giới góp phần vào việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Là cựu sinh Đại học Quốc gia Australia vì sự phát triển của Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng những việc làm này sẽ tiếp tục được lan tỏa đến các cộng đồng cựu sinh viên Úc nói chung và cựu sinh viên ANU nói riêng, tận dụng được các kiến thức đã học ở Úc để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”, anh Đăng nói.
Anh Trần Thăng Long, Giám đốc trung tâm Phân tích nghiên cứu, Công ty chứng khoán BIDV (BSC), cựu sinh viên Đại học Quốc gia Australia chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào khi được góp sức mình vào việc xây dựng, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nghĩ về những người lính đang ngày đêm canh giữ biên giới, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, điều đó thôi thúc tôi tham gia, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước. Tôi sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ, giúp họ phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Anh Long có kế hoạch tham gia các dự án giúp đỡ người dân, các dự án trường học ở vùng sâu, vùng xa như: Hà Giang, Điện Biên, Đắk Lắk, tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các bạn trẻ ở các trường đại học, các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn...
“Tôi tin rằng, mỗi người đều có thể đóng góp một phần sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước. Tôi mong muốn cùng với các bạn cựu sinh Đại học Quốc gia Australia và tất cả mọi người sẽ chung tay xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh”, anh Trần Thăng Long trải lòng.
Học bổng Chính phủ Australia là một phần quan trọng trong hỗ trợ của Australia dành cho sự phát triển kinh tế - xã hội hòa nhập của Việt Nam. Chương trình góp phần thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng cho mọi đối tượng, bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, và người đến từ những vùng nông thôn khó khăn. Niên khóa tiếp theo sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/2/2024 đến hết ngày 30/4/2024.