Ghi nhận một hiện tượng
Bỏ qua sự yêu ghét và những lời nhận định khắt khe của các nhà phê bình, bỏ qua sự phân chia dòng phim, bỏ qua cả sự đánh giá về các tiêu chí nghệ thuật, dòng phim Tết ăn khách những năm qua, mà cụ thể là các phim của Trấn Thành như “Bố già” cách đây vài năm, và phim “Mai” của mùa Tết năm nay, đã đạt những con số kỷ lục về doanh thu phòng vé.
Đứng ở một góc nào đó quan sát, chúng ta sẽ thấy những điều thú vị. Ví dụ như điện ảnh là món ăn hóa ra khá dễ vừa khẩu vị đám đông chứ không phải sự cao siêu như các nhà phê bình vẫn tưởng tượng. Chiêu trò PR có thể kéo được một số người đến rạp, nhưng chắc chắn vẫn phải có gì đó mới khiến một bộ phim trụ vững hết tuần này đến tuần khác, cũng như cơn sốt review phim trên mạng xã hội vẫn chưa hề chấm dứt.
Cá nhân tôi không thích những bộ phim đang làm mưa làm gió ở rạp như phim “Mai” của Trấn Thành. Nhưng đó là quan điểm cá nhân, nó không đại diện cho quan điểm và sở thích của nhiều người. Cho nên, với việc tiếp cận được nhiều người, kéo được nhiều người đến rạp cảm động xuýt xoa, nồng nhiệt viết cảm nhận của họ trên trang cá nhân, nói gì thì nói, vẫn phải ghi nhận là cái tài của những nhà làm phim.
Khi đọc những bài review đầu tiên về phim “Mai” xuất hiện trên mạng xã hội, tôi đã nghĩ nó là trend phim Tết, rồi sẽ qua nhanh. Nhưng đến giờ tôi đã không nghĩ thế được nữa, vì có quá nhiều bài viết vẫn tiếp tục được viết thêm, của những người mà mình biết đích xác họ viết theo nhu cầu cá nhân, theo cảm nhận và suy nghĩ của họ, nó chả bám vào lý thuyết cũng như tiêu chí nghệ thuật nào.
Thế có hề gì, nghệ thuật suy cho cùng để phục vụ công chúng. Đám đông khán giả thấy hay là được và không làm suy đồi hay băng hoại giá trị đạo đức và thẩm mỹ là được.
Ghi nhận một hiện tượng làm phim kiểu Trấn Thành đang đem đến sự khởi sắc cho phim chiếu rạp “made in Việt Nam”. Rõ ràng, giữa việc người người đến rạp xem, rồi về hồ hởi bàn tán với việc có những bộ phim đặt hàng kinh phí nhà nước mà chiếu rạp lèo tèo vài suất chiếu rồi xếp kho thì Trấn Thành xứng đáng là “vua” phòng vé.
Ở góc độ này, phải ghi nhận phim “Mai” là hiện tượng của mùa phim Tết 2024 và có công lớn trong việc kéo chân khán giả đến rạp, khiến khán giả để mắt đến phim Việt Nam.
Tuy nhiên, như đã nói chúng tôi không bàn đến việc phim “Mai” hay dở thế nào, nhưng một nền điện ảnh muốn phát triển và thực sự khởi sắc, không thể căn cứ vào những hiện tượng đơn lẻ như thế.
“Mai” có thể kéo khán giả đến rạp vào một mùa Tết, nhưng “Mai” không làm chúng ta lạc quan hơn vào diện mạo nền điện ảnh nước nhà. “Mai” không mở ra một xu hướng nghệ thuật cũng như hé lộ một thế hệ làm phim mới…
Một nền điện ảnh không thể kỳ vọng vào cách làm phim như “Mai”, nhưng từ đây lại đặt ra những cơ hội mà nền điện ảnh ấy nên tận dụng để khởi sắc.
Rõ ràng, giữa việc người người đến rạp xem, rồi về hồ hởi bàn tán với việc có những bộ phim đặt hàng kinh phí nhà nước mà chiếu rạp lèo tèo vài suất chiếu rồi xếp kho thì Trấn Thành xứng đáng là “vua” phòng vé. Ở góc độ này, phải ghi nhận phim “Mai” là hiện tượng của mùa phim Tết 2024 và có công lớn trong việc kéo chân khán giả đến rạp, khiến khán giả để mắt đến phim Việt Nam.