Tuyển thẳng vào lớp 10: Không nên 'lạm dụng' chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Chuyên gia giáo dục nêu quan điểm không đồng tình khi IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác "bị lạm dụng" trong tuyển sinh ở bậc phổ thông.
Một vài năm trở lại đây, không ít địa phương áp dụng xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc tương đương vào lớp 10.
Theo lý giải từ một số cán bộ quản lý, việc ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 giúp giảm áp lực thi cử, tạo động lực học ngoại ngữ ở địa phương, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường THCS.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm qua, việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tuyển sinh vào THCS, THPT đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc bảo đảm công bằng giữa học sinh ở các vùng, miền.
Trong văn bản 715 ngày 23/2/2024 của Bộ GDĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 (văn bản 715), Bộ yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Theo Bộ GDĐT, đây là yêu cầu nhằm thực hiện đúng quy chế đã ban hành.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, lý do Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10 là nhận thấy chính sách này có thể gây mất công bằng.
Vì thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn.
Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí cũng gặp trở ngại. Như vậy, dùng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh lớp 10 là không công bằng.
Văn bản 715 của Bộ GDĐT ban hành trong bối cảnh nhiều địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, trong đó có quy định tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trước động thái này, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ sự tiếc nuối, trong đó có một bộ phận học sinh rơi vào thế “không kịp trở tay” do không thể sử dụng chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh vào THPT.
Đây cũng là bất cập mà chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương chỉ ra khi trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
TS Hương nêu quan điểm không đồng tình khi IELTS bị "lạm dụng" trong tuyển sinh ở bậc phổ thông và cho rằng: "Lẽ ra yêu cầu này phải được đưa ra sớm hơn".
Theo TS Hương, tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ, một kỹ năng cần thiết nhưng không phải là kĩ năng tối quan trọng. Khi địa phương đưa ra quy định tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì rõ ràng, học sinh sẽ đổ xô học tiếng Anh mà bỏ qua các môn học khác. Điều này sẽ dần tới tình trạng học lệch ở bậc phổ thông.
Tại thời điểm này, với những học sinh đầu tư nhiều thời gian, công sức thi IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác, TS Hương cho rằng, các em và phụ huynh không nên thất vọng, tiếc nuối bởi việc học ngoại ngữ mang lại giá trị, kiến thức cho bản thân các em chứ không chỉ phục vụ cho một kỳ thi.
Tuy nhiên, chuyên gia này đưa lời khuyên: “Học sinh cần xây dựng kế hoạch cụ thể bù khuyết những thiếu sót kiến thức ở những môn học khác mà thời gian qua xem nhẹ để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới”.
Năm học 2024-2025, trong phương án tuyển sinh vào lớp 10, Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) đã bỏ chế độ tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS dù nhiều năm qua, nhà trường dành 5% chỉ tiêu cho phương thức này (khoảng 20 chỉ tiêu).
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc không tuyển thẳng học sinh có IELTS góp phần tránh lãng phí cho phụ huynh và giúp những học sinh gia đình khó khăn, không đủ kinh phí học và thi IELTS có nhiều cơ hội vào trường hơn.