Tinh hoa Việt

GS.NGND Phan Huy Lê: Một đời cống hiến cho Sử học

NGỌC HÀ 04/03/2024 12:18

Trong hơn 60 năm, kể từ khi là một giảng viên đại học đến lúc từ biệt cõi đời, GS.NGND Phan Huy Lê với trí tuệ uyên bác và lòng nhiệt thành cống hiến đã để lại cho hậu thế nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và nền Sử học nước nhà.

Tiếp bước tiền nhân

anh1(2).jpg
GS.NGND Phan Huy Lê.

Nhớ tới vị giáo sư đáng kính Phan Huy Lê những ngày này không phải là một sự ngẫu nhiên. Bởi mới đây thôi (ngày 23/2), trong buổi sáng mưa xuân Hà Nội, một cuộc tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của GS Phan Huy Lê (23/2/1934 - 23/2/2024) đã được tổ chức. Dịp này, cuốn “Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam” cũng được ra mắt.

GS Phan Huy Lê sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng. Cả hai dòng họ nội, ngoại của ông đều là những dòng họ hiếu học, có những danh nhân văn hóa lớn như: Phan Huy Cận (1722-1789), Phan Huy Ích (1751-1822), Phan Huy Chú (1782-1840), Cao Xuân Dục (1842-1923), Cao Xuân Huy (1900-1983)… Thân sinh ông là cụ Phan Huy Tùng (1878-1939), Tiến sĩ Nho học khoa Quý Sửu đời vua Duy Tân (năm 1913), từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, nhân hậu.

Suốt những năm tháng tuổi thơ tại sống tại làng Thu Hoạch, nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, GS Phan Huy Lê đã được thừa hưởng truyền thống trọng nghĩa và hiếu học từ gia đình, từ đó giúp định hình nên cá tính và nhân cách của nhà sử học trước khi ông tự bước đi trên con đường mình theo đuổi.

Năm 1952, khi 18 tuổi, Phan Huy Lê rời quê hương, theo học lớp dự bị đại học ở Thanh Hóa. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Ban đầu, Phan Huy Lê vốn ham mê khoa học tự nhiên và dự định chọn Toán - Lý cho tương lai nghề nghiệp của mình.

Nhưng dường như số phận đã có sự an bài. GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra những phẩm chất quý giá ở Phan Huy Lê và hướng ông vào học Ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với sự thông minh, hiểu biết, cách làm việc cẩn thận, ngay khi còn là sinh viên, ông đã được các thầy tin cậy giao làm trợ lý giảng dạy. Năm 1956, sau khi vừa tốt nghiệp, ông đã được nhận ngay vào bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại thuộc khoa Sử. Dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS Đào Duy Anh, Phan Huy Lê vừa chính thức đứng lớp, vừa được giao viết bài giảng như một chuyên gia thực thụ. Có lẽ vì thế mà chỉ sau 2 năm, chàng thanh niên Phan Huy Lê, khi đó mới 24 tuổi, đã nhận được sự tin tưởng của nhiều người trong ngành để giao trọng trách của một Chủ nhiệm bộ môn, sẵn sàng tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.

Kể từ đó, ông đã liên tục nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền sử học và giáo dục nước nhà. Suốt 60 năm ông cùng các giáo sư khác như Ðinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đã tạo dựng nên một trường phái sử học "Tổng hợp", với một huyền thoại về "Tứ trụ": Lâm - Lê - Tấn - Vượng.

Ðiều đó đã trở thành niềm kiêu hãnh không chỉ của riêng khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), mà còn là niềm tự hào chung của biết bao thế hệ học trò, những người học sử và nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại những di sản về lịch sử của GS Phan Huy Lê mới thấy, thật hiếm có học giả nào để lại khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế. Ngay khi mới ngoài 20 tuổi, ông đã viết tác phẩm: "Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ". Tiếp đó ông viết nhiều tác phẩm như: "Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn", "Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam", “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại", "Lịch sử Việt Nam"...

Bên cạnh nghiên cứu, GS Phan Huy Lê còn đặc biệt quan tâm và chú trọng đến công tác đào tạo. Khi được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học, ông đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Hàng nghìn học trò được ông đào tạo nay đã thành đạt và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, tiếp tục thay ông đóng góp chất xám để đưa đất nước ngày càng phát triển, hội nhập.

anh3-min.jpg
Một số cuốn sách của GS.NGND Phan Huy Lê. Ảnh: Ngọc Hà.

Một phần trái tim, khối óc luôn dành cho Hà Nội

Dành cả cuộc đời để cống hiến cho nền Sử học nước nhà, trong bài viết này chúng tôi chưa thể liệt kê hết toàn bộ những công trình nghiên cứu, những đầu sách và những chặng trong sự nghiệp của GS Phan Huy Lê. Chỉ xin kể thêm một lát cắt nhỏ về những dấu ấn mà ông đã từng cống hiến cho Hà Nội.

GS Phan Huy Lê từng nói rằng: “Trong suốt quá trình gắn bó với Sử học, tôi luôn dành một phần trái tim và khối óc của mình cho Hà Nội”. Đó chính là sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô, trong đó có công tác đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP Hà Nội, GS Phan Huy Lê đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác này, giúp Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước. Trước năm 2010, giáo sư đã đề xuất xây dựng ngân hàng tên để phục vụ cho công tác đặt tên đường, phố.

Ông đã đề nghị Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, địa bàn mở rộng, có thêm rất nhiều làng nghề nên ưu tiên số một cho tên địa danh, có thể đánh số 1, 2, 3 theo nhánh đường nhỏ; cần xem xét để đặt tên các địa danh tiêu biểu của quốc gia như Hoàng Sa, Trường Sa…

Nghiên cứu địa danh gắn với di sản văn hóa, nhất là những di sản văn hóa vật thể như tên đình, chùa, đền, miếu… nhưng phải có những tiêu chuẩn cụ thể, hợp lý.

Điều GS Phan Huy Lê trăn trở là phải nỗ lực để bảo tồn và phát huy thật tốt các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội vì các di sản Hà Nội là kết tinh của các giá trị của văn hóa Việt Nam. Điều quan trọng là phải nâng cao hiểu biết các giá trị về di sản của người dân Hà Nội để họ tự nguyện bảo tồn. Niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn di sản phải thấm nhuần trong mỗi người dân Thủ đô.

Từ những trăn trở đó, ông đã góp sức mình để nghiên cứu và xây dựng hồ sơ đăng ký di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; tư vấn xây dựng hồ sơ Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hồ sơ Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Ông cũng là người chủ biên công trình về nghiên cứu đồ sộ về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, dày 1.600 trang.

Chính vì có những đóng góp quan trọng đó, nên GS Phan Huy Lê đã được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú trong đợt đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

60 năm miệt mài với Sử nghiệp, cho đến những tháng cuối đời, tháng 5/2018, GS Phan Huy Lê vẫn hăng hái đi thăm quần đảo Trường Sa và trở thành nhà khoa học cao tuổi nhất có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để trực tiếp khảo sát, nghiên cứu… Nhưng giữa lúc nhiều công việc còn dang dở, nhất là nhiệm vụ biên soạn bộ Quốc Sử đã đến thời điểm gấp rút hoàn thành thì giáo sư lâm trọng bệnh và qua đời (ông mất ngày 23/6/2018, hưởng thọ 85 tuổi).

GS.NGND Phan Huy Lê được phong hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012). Với những cống hiến xuất sắc cho khoa học, ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hóa Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010). Ông là người đầu tiên của ngành Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).

NGỌC HÀ