Mặt trận

Giải pháp đa dạng hóa sản phẩm tảo xoắn Spirulina

Tiến Đạt 02/03/2024 09:13

Nhằm mục đích mở rộng thị trường tảo Spirulina ở Việt Nam, mang lại nguồn nguyên liệu quý cho dược phẩm, thực phẩm, ThS Huỳnh Thị Phương Thảo (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) và ông Văn Hữu Tài - Chủ hộ kinh doanh Tảo xoắn Mê Kông (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã nghiên cứu, hoàn thiện công trình khoa học “Mô hình nuôi tảo xoắn (Spirulina) hộ gia đình và đa dạng hoá sản phẩm”, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân.

duoi.jpg
Ông Văn Hữu Tài nghiên cứu sản phẩm tảo xoắn (Spirulina) nuôi tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NVCC.

Tảo xoắn là một loài vi khuẩn lam có dạng sợi xoắn, được xem là một thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với lượng dùng 1-3g tảo xoắn mỗi ngày sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe, đặc biệt với những người đang điều trị bệnh hoặc cần bổ sung dinh dưỡng như vận động viên, người chơi thể thao hay người ăn chay có thể sử dụng tảo xoắn với lượng dùng nhiều gấp 2-3 lần.

Ở Việt Nam, tảo xoắn thường được nuôi tập trung ở các tỉnh miền Trung thuộc vùng nước mặn hoặc có biển. Còn ở vùng nước ngọt như Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng chưa có nghiên cứu nuôi trồng và ứng dụng tảo xoắn trong chế biến thực phẩm.

Theo ông Văn Hữu Tài - đồng Chủ nhiệm công trình, tính mới, sáng tạo của công trình này thể hiện ở môi trường nuôi Zarrouk được cải tiến, khá nhiều vật tư dễ tìm, dễ mua và giá rẻ, có thể áp dụng nuôi trên môi trường nước ngọt, nước máy đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc bổ sung tảo xoắn vào chế biến thực phẩm để tăng giá trị dinh dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm từ tảo xoắn. Quy trình dễ thực hiện chi phí thấp, không hóa chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường.

“Đối với những gia đình nuôi trong thùng nhựa thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ thấp hơn và hiệu suất thu hồi tảo vẫn tương tự như nuôi trong bể xi măng, nhưng số lượng sản phẩm sẽ không nhiều. Nguồn tảo giống được nuôi lưu giữ tại nơi nghiên cứu của nhóm tác giả và sẽ cung cấp cho hộ sản xuất khi có nhu cầu kể cả môi trường nuôi và chuyển giao kỹ thuật nuôi, sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được hỗ trợ sấy” - ông Tài chia sẻ.

Từ hiệu quả của công trình khoa học, sản phẩm tảo Spirulina nuôi tại tỉnh Vĩnh Long đã được chứng nhận OCOP 3 sao được nuôi tại hộ gia đình của thành viên nhóm nghiên cứu và một số hộ gia đình đang nuôi thử nghiệm. Đặc biệt, hiệu quả môi trường và khả năng tham gia sản xuất của người dân nông thôn được đánh giá khả thi. Người dân không cần nhiều diện tích đất, không phụ thuộc thời tiết, khí hậu, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất thải, khí thải và không gây ô nhiễm môi trường. Nước thải từ quá trình nuôi tảo được tận dụng để nuôi ốc bươu thương phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Hiện nay, thị trường tảo Spirulina ở Việt Nam chưa được mở rộng, người dân chưa quan tâm nhiều đến loại sản phẩm này. Nếu thị trường tảo Spirulina phát triển, đây sẽ là nguồn nguyên liệu quý cho dược phẩm, thực phẩm, tạo ra sản phẩm thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng góp phần giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khỏe cho người già yếu, bệnh nhân sau điều trị. Mô hình sản xuất hộ gia đình được phát triển sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung” - ông Tài cho hay.

Với tính ứng dụng cao, công trình khoa học “Mô hình nuôi tảo xoắn (Spirulina) hộ gia đình và đa dạng hoá sản phẩm” đã đạt Giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần thứ 8 năm 2020 - 2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức. Công trình cũng được vinh danh trong danh sách các công trình, giải pháp khoa học công nghệ của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Tiến Đạt