Sắp xếp các đơn vị hành chính: Quan tâm tới việc làm của cán bộ và đời sống nhân dân
Ngày 1/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 20 cho ý kiến về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát; thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 50 đơn vị cấp huyện và trên 1.200 đơn vị cấp xã tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này. Việc sắp xếp phải hoàn thành trong năm 2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý 1/2025.
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây; thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.
Sau khi thành lập, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có giảm 1 thị xã, 2 xã và tăng 1 thành phố, 2 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%. Thành phố Bến Cát có 234,35km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.
Tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập phường 4 vào phường 1, nhập phường 3 vào phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Kết quả là tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh là 18,4%.
Trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề nghị, chính quyền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định.
Cùng với đó, có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn đã có mức độ đô thị hóa cao; thực hiện tốt phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cho rằng, hiện các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gây nên hiện tượng ngập úng ở các đô thị. Trong rất nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân do lấp ao hồ.
Theo ông Hận, trong quá trình sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính thì có xã trở thành phường, tốc độ đô thị hoá cao và giá trị đất cũng tăng theo. Do đó, có việc lấp ao hồ hình thành khu dân cư tự phát của người dân và điều đó ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Vì vậy khi thành lập các thành phố này cần phải có kế hoạch lâu dài và tính toán đến vấn đề thoát nước do biến đổi khí hậu đã trở thành hiện hữu chứ không phải chuyện lâu dài. Ngay các thành phố lớn như TPHCM, hay các đô thị lớn thì vấn đề cấp thoát nước hiện nay cũng đang là vấn đề vô cùng khó khăn.
Ông Hận cũng đề nghị lưu ý đến vấn đề khi các xã chuyển thành phường thì diện tích đất nông nghiệp sản xuất sẽ bị thu hẹp do tốc độ đô thị hoá. Khi đất nông nghiệp giảm cần tính toán đến các khu công nghiệp để tạo việc làm cho người dân nông thôn tại đây. Khi thành lập đơn vị hành chính mới phải tính toán đến vấn đề việc làm cho người dân.
Ông Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề cập đến việc tỷ lệ lao động phi nông nghiệp sau quá trình đô thị hoá. Theo đó, đối với nơi có nhiều khu công nghiệp, và khu công nghiệp phát triển nhanh thì có thể kéo theo dịch vụ phát triển. Nhưng với những nơi khu công nghiệp chưa phát triển thì dịch vụ phát triển thế nào? Do đó, Chính phủ cần làm rõ thêm việc người dân chuyển sang nghề gì? Nhất là tại vùng khu công nghiệp chưa phát triển.